1. Xét nghiệm Bilirubin được thực hiện như thế nào
1.1. Bilirubin là xét nghiệm gì
Bilirubin là một loại sắc tố mật có màu vàng do quá trình phá vỡ tự nhiên của hồng cầu. Nó được vận chuyển trong máu đến gan để giải phóng và được loại bỏ qua phân và nước tiểu. Khi xét nghiệm máu, chỉ số Bilirubin giúp bác sĩ đánh giá chức năng gan và phát hiện sớm các nguyên nhân gây vàng da.
Xét nghiệm Bilirubin hỗ trợ chẩn đoán về vấn đề gan
Vậy xét nghiệm Bilirubin là gì? Đây là loại xét nghiệm dùng để đo lường nồng độ Bilirubin trong máu. Mức độ cao hơn bình thường của Bilirubin có thể gợi ý đến các vấn đề liên quan đến gan. Thường thấy cao hơn mức bình thường cho thấy có vấn đề về sự phá hủy tế bào máu đỏ.
Trong xét nghiệm máu, chỉ số Bilirubin được coi là bình thường khi nó có giá trị:
- Bilirubin toàn phần
+ Đối với trẻ sơ sinh: dưới 10 mg/dL hoặc dưới 171 mol/L.
+ Đối với trẻ 1 tháng tuổi: từ 0.3 đến 1.2 mg/dL hoặc từ 5.1 đến 20.5 mol/L.
+ Đối với người lớn: từ 0.2 đến 1.0 mg/dL hoặc từ 3.4 đến 17.1 mol/L.
- Bilirubin trực tiếp: từ 0.0 đến 0.4 mg/dL hoặc từ 0 đến 7 mol/L.
1.2. Các hình thức xét nghiệm bilirubin
Khi đã biết được xét nghiệm Bilirubin là gì, chắc hẳn bạn đọc cũng sẽ băn khoăn có thể thực hiện xét nghiệm này theo những hình thức nào. Hiện nay, xét nghiệm Bilirubin đang được thực hiện dưới các hình thức:
- Xét nghiệm máu: đánh giá nồng độ Bilirubin qua chỉ số máu.
- Chọc hút dịch ối: xét nghiệm dành cho thai phụ, để kiểm tra Bilirubin qua dịch nước ối.
- Xét nghiệm nước tiểu: đo lượng Bilirubin trong nước tiểu. Thông thường, Bilirubin không có mặt trong nước tiểu, nhưng nếu xét nghiệm phát hiện có sự hiện diện của nó, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp có Bilirubin trong nước tiểu là do gan không đào thải Bilirubin ra ngoài cơ thể.
2. Ý nghĩa của xét nghiệm Bilirubin là gì
2.1. Lý do cần phải thực hiện xét nghiệm Bilirubin
Xét nghiệm này thường được tiến hành khi có nghi ngờ về bệnh lý gan mật và tình trạng tan máu để chẩn đoán. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, xét nghiệm sẽ đưa ra các gợi ý chẩn đoán khác nhau:
Chỉ số Bilirubin là căn cứ chẩn đoán nguyên nhân da vàng ở trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh
- Đối với người lớn và trẻ lớn:
+ Chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý gan mật như viêm túi mật, sỏi mật,...
+ Đánh giá hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh lý gây thiếu máu tán huyết.
+ Chẩn đoán các bệnh gây tắc nghẽn đường mật như ung thư tuyến tụy, sỏi mật,...
+ Các bệnh di truyền như hội chứng Gilbert.
- Đối với trẻ sơ sinh:
+ Chẩn đoán vàng da trong 24 giờ sau khi trẻ sinh ra.
+ Tìm nguyên nhân gây thâm tím nặng cho trẻ khi sinh.
Bằng cách đo nồng độ Bilirubin trong máu của trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể phát hiện và điều trị kịp thời trước khi Bilirubin tự do dư thừa gây tổn thương não, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như suy giảm khả năng phát triển và học tập, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn vận động mắt, mất thính lực và nguy hiểm nhất là tử vong.
- Đối với thai nhi:
Thông qua đo lường Bilirubin trong nước ối, bác sĩ có thể dự đoán tình trạng hủy hoại hồng cầu ở thai nhi.
2.2. Ý nghĩa của xét nghiệm Bilirubin là gì
Hầu hết chúng ta khi nhận kết quả xét nghiệm thường không hiểu rõ ý nghĩa của chỉ số Bilirubin là gì. Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh gan và đánh giá sức khỏe của mỗi người, xét nghiệm Bilirubin là rất quan trọng. Sự tăng cao của Bilirubin toàn phần có thể phản ánh các điều sau:
- Phản ứng truyền máu.
- Bệnh xơ gan.
- Thiếu máu ác tính.
- Tán huyết.
- Hội chứng Gilbert có thể bắt nguồn từ sự thiếu hụt enzyme gắn kết phân tử Glucuronic và Bilirubin.
Người bệnh nên trực tiếp hỏi bác sĩ về ý nghĩa của chỉ số Bilirubin trong kết quả xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác
Trường hợp Bilirubin trực tiếp cao hơn Bilirubin gián tiếp thường do vấn đề loại bỏ Bilirubin từ tế bào gan. Điều kiện gây ra thường là:
- Bệnh viêm gan virus.
- Phản ứng phụ của thuốc.
- Tắc nghẽn đường mật do viêm đường mật, khối u mật, sỏi túi mật,...
- Ngộ độc rượu.
Đối với các trường hợp thực hiện xét nghiệm Bilirubin máu, chỉ số này có ý nghĩa:
- Khám phá tắc mật bên trong và bên ngoài gan.
- Đánh giá tình trạng bệnh lý gan.
- Theo dõi hiệu quả điều trị thuốc kháng lao ở bệnh nhân.
Trường hợp xét nghiệm Bilirubin niệu, chỉ số này có ý nghĩa chẩn đoán phân biệt:
- Phân biệt nguyên nhân vàng da do ứ mật hay do bệnh lý gan: phát hiện Bilirubin trong nước tiểu.
- Không phát hiện Bilirubin trong nước tiểu, cho thấy da màu vàng do tan máu.
3. Danh sách và quy trình xét nghiệm Bilirubin máu
3.1. Những ai cần làm xét nghiệm Bilirubin
Nên xét nghiệm Bilirubin đối với những trường hợp sau:
- Có biểu hiện da vàng.
- Thường xuyên uống rượu hoặc các chất kích thích.
- Được nghi ngờ bị ngộ độc thuốc.
- Tiếp xúc với virus gây viêm gan.
- Đi tiểu màu nước hổ phách.
- Buồn nôn và nôn kèm theo cảm giác khó chịu mà nguyên nhân chưa rõ.
- Đau bụng đột ngột.
- Người mắc bệnh gan thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi.
- Trẻ sơ sinh bị vàng da.
- Người đang bị nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu.
3.2. Quy trình thực hiện xét nghiệm Bilirubin máu
Xét nghiệm Bilirubin máu đi qua một quy trình đơn giản với các bước sau:
- Bước 1: Lấy máu tĩnh mạch ngoại vi từ người bệnh.
- Bước 2: Bảo quản mẫu bệnh phẩm trong ống xét nghiệm vô trùng.
- Bước 3: Đưa mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm để đo lượng bilirubin trong máu.
- Bước 4: Trả kết quả xét nghiệm cho người bệnh.