Chắc chắn rằng khi học tập hoặc làm bất kỳ công việc nào, chúng ta cũng đã từng phải tạo thành nhóm để cùng nhau hoàn thành công việc. Tuy nhiên, chủ đề teamwork quá rộng, nên bài viết này chỉ gói gọn trong phạm vi môi trường giáo dục để phù hợp và gần gũi hơn với giới trẻ.
Teamwork, hay còn gọi là làm việc nhóm, là quá trình phối hợp, tương tác, và hợp tác giữa hai hay nhiều người trong cùng một tổ chức. Bằng cách chia công việc chung thành những phần nhỏ hơn, mỗi người sẽ được giao nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn hoặc thế mạnh của mình để hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả. Các thành viên của một nhóm thường có chung chuyên môn.
Nguyên nhân dẫn đến xung đột
1. Trưởng nhóm phân chia công việc không công bằng
Thẳng thắn mà nói, bạn sẽ không muốn làm việc dưới sự lãnh đạo của một trưởng nhóm thiếu công bằng phải không? Nguyên nhân có thể do nhóm trưởng thiếu kỹ năng cần thiết khi đảm nhận vai trò này. Công tư không phân minh, thiên vị người thân quen và dùng việc công để trả thù cá nhân, gây áp lực với những người mà trưởng nhóm không thích. Tình trạng này xảy ra rất nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến sự xung đột trong quá trình làm việc nhóm.
2. Cá nhân hóa công việcĐể tôi kể cho các bạn nghe một ví dụ cụ thể về xu hướng cá nhân hóa công việc. Đó chính là tôi, tác giả của bài viết này. Tôi luôn muốn hoàn thành công việc sớm hơn thời hạn vì nhiều lý do như có thời gian chỉnh sửa lỗi hoặc muốn có thời gian rảnh sau đó. Vì vậy, tôi thường tự mình hoàn thành công việc mà không cần ý kiến của các thành viên khác, né tránh tình trạng 'chín người mười ý' để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, làm việc nhóm không thể hoạt động theo kế hoạch của một cá nhân mà phải theo tiến trình và mục tiêu chung của nhóm. Nếu mỗi người chỉ lo việc của mình, tách biệt khỏi mục tiêu chung, thì dễ dẫn đến thiếu hiệu quả và thiếu gắn kết.
3. Thiếu sự đồng nhất và gắn kết
Đồng ý rằng khi tham gia một nhóm sẽ có sự tương đồng về chuyên môn, nhưng không thể phủ nhận sự khác biệt về văn hóa và vùng miền, dẫn đến đôi khi bất đồng quan điểm về cách nhìn nhận vấn đề. Nếu biết tận dụng sự khác biệt này để áp dụng vào bài học thì sẽ tăng khả năng sáng tạo và nảy sinh nhiều ý tưởng. Ngược lại, khi quan điểm khác nhau và không có sự thống nhất, nhóm sẽ xảy ra xích mích, khiến các thành viên bất mãn, làm không khí trong nhóm trở nên căng thẳng và lâu dần hình thành bức tường ngăn cách, mất đi sự liên kết chặt chẽ - yếu tố quan trọng để phát triển nhóm.
4. Giao tiếp không hiệu quả
Đại dịch khiến hầu như mọi công việc đều phải hoạt động trực tuyến, gặp mặt trực tiếp trở nên khó khăn nên mọi người chỉ có thể trao đổi qua các group chat trên messenger, zalo,... Hạn chế về mặt tương tác làm giao tiếp trở nên kém hiệu quả, có thành viên không sắp xếp được thời gian chung với nhóm để bàn bạc nên đôi khi không nắm bắt được thông tin, phải giải thích lại rất tốn thời gian. Những vấn đề cần sự thống nhất của nhóm cũng không thể thu thập ý kiến của mọi cá nhân, khiến mọi người khá 'ngán' mỗi lần phải chờ đợi một số thành viên khác, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc.
5. Cạnh tranhKhông chỉ giữa các nhóm khác nhau mới có sự cạnh tranh, mà ngay trong nội bộ nhóm cũng có thể xảy ra mâu thuẫn này. Ví dụ, khi làm một bài tiểu luận, ai cũng muốn mình được điểm cao hơn người khác, nên sẽ tranh giành phần dễ hoặc phần nhiều hơn để giảng viên đánh giá cao. Đôi khi, chính mình quên mất rằng cạnh tranh lành mạnh giúp nâng cao bản thân, mà lại gánh nặng tâm lý và sinh ra những phản ứng tiêu cực như 'ghen ghét bạn', 'muốn bạn thất bại', 'muốn chơi xấu'... dẫn đến xung đột nội bộ, gây mất đoàn kết và giảm sức mạnh tinh thần của nhóm.
Hậu quả khi không giải quyết xung đột
Xung đột tích cực
Khi nói đến xung đột, đa số nghĩ đến xu hướng tiêu cực, nhưng thực chất nó cũng đem lại lợi ích cho nhóm và là yếu tố cần thiết để phát triển. Không có xung đột, mọi người không có cơ hội bày tỏ tâm tư, và không biết lý do rào cản ngăn nhóm phát triển. Từ đó, việc ra quyết định trở nên dễ dàng hơn, cải thiện chất lượng công việc, hoặc nhờ xung đột mà mỗi người tự ý thức và tránh những bẫy khiến tập thể rạn nứt trong tương lai.
Xung đột tiêu cực
Đối với cá nhân:
· Mất thiện cảm trong mắt các thành viên khác, khiến sau này họ không muốn hoặc hạn chế hợp tác với bạn trong các nhóm ở môn học khác.
· Gây ra thái độ thù địch vì không tìm được tiếng nói chung.
· Tâm lý làm việc trong căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với tập thể:
· Gây mất đoàn kết, làm tốn thời gian và giảm chất lượng bài tập.
· Giảm sức liên kết chặt chẽ giữa các thành viên.
· Từ chối, hạn chế giao tiếp giữa các thành viên.
Phương án giải quyết
Kỹ năng làm việc nhóm là một trong những kỹ năng mềm giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ, phát triển bản thân và nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai. Đặc biệt, khi có định hướng làm việc tại công sở, kỹ năng này càng trở nên quan trọng.
Tìm ra nguyên nhân dẫn đến xung đột và giải quyết triệt để, tránh “đi vào vết xe đổ” của những vấn đề trước. Nâng cao tinh thần đoàn kết vì mục tiêu và lợi ích chung. Thêm bạn bớt thù thì mọi thứ sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.
Xác định điểm mạnh và điểm yếu, vai trò chung và riêng của các thành viên để tạo sự cân bằng, hỗ trợ nhau phát triển chuyên môn.
Phê bình những lý do và cá nhân làm ảnh hưởng đến tập thể một cách tế nhị, thể hiện sự tôn trọng. Không ngại khen ngợi cá nhân và tập thể sau khi hoàn thành công việc để tạo thêm động lực.
Hạn chế tối đa thái độ tiêu cực, hãy cố gắng bình tĩnh giải quyết cảm xúc của mình trước khi nói với bất kỳ ai điều gì vì lời nói ra trong lúc tức giận sẽ làm tổn thương đối phương.
Xây dựng niềm tin, nếu có điều kiện, hãy tổ chức và kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động tập thể vừa giải trí vừa tăng thêm sự gắn kết trong nhóm.
Mỗi cá nhân cần nhận thức và chấp nhận trách nhiệm của mình. Sự tự lập và sáng tạo sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho từng thành viên trong nhóm và cả bản thân.
Để phát triển cộng đồng hoặc nhóm, mỗi thành viên trong 'Đội Người Trẻ' cần phải tự rèn luyện. Hãy cùng nhau đẩy lùi sự lo lắng khi làm việc nhóm.
Tác giả: Hồng Trâm Ya