Theo Origins Đại Cổ, nghiên cứu mới dựa trên bộ hài cốt đã giải thích lý do tại sao các chứng cứ về việc con người rời bỏ châu Phi thường không khớp nhau: có vẻ tổ tiên của chúng ta đã rời nơi gốc rạc người nhiều lần, trong đó có 2 đợt cổ xưa nhất cách nhau vài trăm nghìn năm.
Bộ xương của đứa trẻ được khai quật tại di tích 'Ubeidiya, thuộc Thung Lũng Jordan, chỉ bao gồm một số đốt sống hóa thạch 1,5 triệu tuổi, nhưng đủ để tái hiện một phần của quá khứ cổ xưa.
Các đốt sống mới khai quật được ở các góc chụp khác nhau - Ảnh: Tiến sĩ Alon Barash/ Đại học Bar-Ilan
So sánh với những mảnh hài cốt 1,8 triệu năm tuổi được phát hiện ở Georgia trước đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bar-Ilan, Cao đẳng học thuật Ono, Đại học Tulsa và Cơ quan Cổ vật Israel kết luận rằng 2 làn sóng người đầu tiên rời khỏi châu Phi diễn ra 1,8 đến 1,5 triệu năm trước.
Trong đó, hài cốt của cậu bé mới phát hiện - có số UB 10749 - đại diện cho làn sóng thứ 2, đặc biệt chú ý.
Các kỹ thuật hiện đại đã giúp tái tạo các đặc tính cơ thể của cậu bé khi còn sống từ 9-12 tuổi, cũng như dự đoán cậu bé sẽ phát triển như thế nào khi trưởng thành.
Kết quả cho thấy khi trưởng thành, cậu bé sẽ cao tới 1,98 m. Con số này gây bất ngờ hoàn toàn vì hầu hết các loài người cổ đã biết đều thấp hơn chúng ta. Vì vậy, cậu bé này là một người khổng lồ kỳ lạ trong thế giới người tiền sử và các nhà khoa học vẫn chưa xác định được cậu bé thuộc loài nào trong chi Người (Homo) từng đa dạng.
Khu vực 'Ubeidiya - Ảnh: Tiến sĩ Omry Barzilai/ Cơ quan Cổ vật Israel
Tương tự như làn sóng di cư 1,8 triệu năm trước, cậu bé này đang cùng bọn họ di chuyển từ châu Phi đến châu Âu - châu Á.
Theo Daily Mail, xung quanh nơi phát hiện hài cốt bí ẩn này, từ năm 1960-1999, các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều công cụ chế tạo từ đá lửa và đá bazan, cùng với nhiều xương của các sinh vật khổng lồ tuyệt chủng như cọp răng kiếm, ma mút, trâu khổng lồ...
Dường như những chiến binh cổ đại này đã sống và hy sinh bên cạnh những sinh vật kỳ dị trong quá trình di cư lịch sử.