Có một lần, trên một chương trình truyền hình, tôi đã thấy hình ảnh của những con linh cẩu sống thành bầy đàn, hợp tác để săn bắt những con mồi lớn hơn. Khi đó, tôi tự hỏi “Nếu một con linh cẩu không sống cùng bầy đàn mà chỉ sống một mình, điều gì sẽ xảy ra?”. Và rồi, tôi tìm được câu trả lời trong lời dạy của Đức Phật “Chỉ khi giọt nước hòa vào biển cả thì mới không cạn đi”.
Lời dạy ấy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc, qua hình ảnh cụ thể của “giọt nước” và “biển cả”. Giọt nước nhỏ bé và sẽ nhanh chóng khô cạn nếu nó chỉ ở một mình, nhưng khi hòa vào biển cả rộng lớn, hòa vào hàng triệu, hàng tỉ giọt nước khác, thì nó sẽ không bao giờ biến mất.
Trong cuộc sống cũng vậy, con người không thể sống một mình mà phải sống cùng nhau, tồn tại cùng nhau.
Khi sống chỉ biết đến bản thân, không quan tâm đến mọi người, không có trách nhiệm với cộng đồng, vô tâm với xã hội, chúng ta sẽ không nhận được những phiền toái từ người khác, từ cộng đồng, xã hội. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng mất đi cơ hội nhận được sự giúp đỡ, quan tâm từ người khác. Và có thể, chúng ta đang tự gây hại cho bản thân một cách gián tiếp, bởi vì chúng ta là một phần của cộng đồng, của xã hội đó.
Hơn hết, “Con người là động vật có tinh thần” và phần “tinh thần” đó bao gồm cả tính cộng đồng, tính đoàn kết. Chính nhờ vào sự đoàn kết đó mà từ xưa đến nay, con người mới có thể đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại, phát triển. Nếu ta sống một cuộc sống “không cộng đồng, không xã hội”, tức là ta đã vứt bỏ phần “người” trong “con người” của mình.
Ngược lại, nếu sống một cuộc sống hòa nhập, có trách nhiệm với cộng đồng, gắn kết với xã hội, ta có thể sẽ phải hi sinh rất nhiều, nhưng những gì ta nhận được cũng sẽ nhiều hơn. “Đoàn kết là sức mạnh”, chỉ có sự đoàn kết, sự gắn kết với nhau mới mang lại sức mạnh cho ta tồn tại, phát triển trong thế giới này. Có những điều một mình ta không thể làm được, nhưng một cộng đồng, một xã hội có thể.
Xã hội, cộng đồng là những yếu tố mà ta không thể tách rời, giống như “giọt nước” không thể tách khỏi “biển cả” mà không sớm cạn khô. Vì vậy, khi sống, ta phải nhớ đến cộng đồng, phải có trách nhiệm với xã hội, phải hòa nhập với mọi người.
Lời dạy “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi” của Đức Phật là một lời dạy đơn giản nhưng mang lại bài học có ý nghĩa suốt cuộc đời. Học được bài học ấy không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi tin rằng chúng ta đều có thể, bởi vì chúng ta là con người.