Một em trong đội ngũ nhân sự của mình chia sẻ về việc hiện nay nhiều người chạy theo 'một nghề cho chín', phải chuyên môn hóa một thứ cụ thể, khiến em ấy cảm thấy áp lực. Các bạn trẻ thì lại thấy mọi thứ đều hấp dẫn, không biết nên theo đuổi cái nào nghiêm túc.
Nhiều người cũng đối diện với nhiều lựa chọn, rồi cảm thấy bối rối. Làm sao để biết mình thật sự thích gì? Lỡ ban đầu thấy hay nhưng sau lại chán thì sao?
Mình hoàn toàn hiểu cảm giác này vì thời sinh viên mình cũng như vậy, và mình đã chọn thử làm cả 9 nghề…
Mình quyết định làm và thử nhiều thứ không liên quan đến chuyên ngành, trải nghiệm đủ thứ để tìm ra đam mê và con đường phù hợp. Nhận vài công việc đơn giản để làm, rồi nâng dần độ phức tạp. Mình phải làm quen với việc tự chịu trách nhiệm và được trả công cho thành quả của mình. Vì thế ngay từ đầu mình đã chọn thử nhiều thứ để khám phá bản thân.
Tuy nhiên, mình vẫn ủng hộ việc làm một nghề chín hơn là làm chín nghề mà không tinh thông nghề nào...
Không khó để nhận thấy các tin tuyển dụng chuyên viên sáng tạo nội dung yêu cầu biết thiết kế hình ảnh, phân tích dữ liệu, chạy quảng cáo, tối ưu hóa nội dung SEO, có kiến thức về UX/UI, làm landing page,... Nhiều người đã phản ứng mạnh và bảo nhau tránh xa những công ty như vậy.
Trước đây mình cũng muốn trở thành một người full-stack, học rất nhiều thứ để đa năng, nhưng nhìn lại thấy mỗi thứ biết một ít không chuyên sâu. Đồng ý rằng, content và marketing là những ngành thay đổi rất nhanh, người làm trong ngành cần liên tục nâng cấp bản thân để không bị tụt hậu.
Tuy nhiên, điều này khiến một số người điều hành doanh nghiệp nghĩ sai lầm rằng chỉ cần tuyển một bạn full-stack là thay thế được cả phòng ban marketing bao gồm: Campaign, Digital, SEO, CRM, Creative, Design, Data, UX/UI… Với team nhỏ thì cần người đa năng, nhưng để đi sâu hơn cần có chuyên môn nhất định mới làm bài bản và đạt kết quả tốt.
Sau khi có kinh nghiệm làm việc, mình nhận ra quan điểm 'Một nghề cho chín còn hơn chín nghề' đã lỗi thời. Với tư duy của những ai muốn ổn định thì đó có thể là lựa chọn, nhưng trong sự phát triển hiện tại, sự ổn định này chưa chắc đã bền vững. Mình nghĩ tất cả chúng ta nên phát triển theo mô hình T-shaped, với chiều dọc là chuyên môn vững vàng đủ để làm tốt.
Nguồn ảnh: Tục ngữ
Mình xác định vai trò của mình trong doanh nghiệp là một T-shaped marketer, có khả năng thực hiện toàn bộ kế hoạch marketing từ A đến Z. Nếu bạn có thế mạnh về bất cứ lĩnh vực nào – SEO, social media, paid ads hoặc xây dựng cộng đồng – bạn sẽ có thể sáng tạo và thực hiện các chiến dịch marketing trên nhiều lĩnh vực khi phối hợp cùng các thành viên trong team.
Trong vai trò này, mình sẽ không chỉ xây dựng chiến lược chuyển đổi khách hàng qua một kênh duy nhất như SEO, email marketing hay social media, mà sẽ tạo ra một chiến lược toàn diện giúp chuyển đổi khách hàng qua nhiều kênh đồng thời. Thực tế là các doanh nghiệp luôn cần những marketer kiểu T-shaped để điều phối mọi hoạt động marketing của công ty – từ SEO, email đến social media, paid ads, và nhiều hơn nữa. Đó là những người biết tận dụng chuyên môn sâu và kiến thức rộng của mình để giúp công ty đạt được lưu lượng truy cập và tỷ lệ chuyển đổi cao.
Vậy làm thế nào để trở thành một marketer kiểu T-shaped?
Nguồn ảnh: Internet
Hơn 3 năm trước, khi xác định vai trò này, mình bắt đầu bằng việc trang bị những kiến thức cơ bản nhất về marketing theo chiều ngang của chữ T. Mình học để nắm vững tổng quan nhiều kiến thức từ SEO, social media, paid ads, UX/UI, Landing page,... Điều này không có nghĩa là phải học và lấy chứng chỉ cho tất cả các khóa học, chỉ cần một vài khóa học cung cấp kiến thức tổng quan là đủ.
Sau đó, mình định vị bản thân ở một chuyên môn thật mạnh để đào sâu vào. Bước này giống như việc trả lời câu hỏi 'Tôi là chuyên gia trong lĩnh vực gì hoặc tôi muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực gì?'.
Mình lập ra danh sách những chuyên môn và điểm mạnh của bản thân ở 1-3 lĩnh vực mà mình sẽ khai thác, gồm Content Marketing, SEO, và Landing Page.
Nếu bạn chưa là chuyên gia hoặc muốn tiếp tục phát triển bản thân, hãy tập trung vào việc học hỏi để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Từ việc cố gắng thể hiện bản thân, tự xây dựng kênh theo ngách và duy trì việc học, mở rộng mạng lưới quan hệ giúp bạn phát triển thói quen học tập và động viên không ngừng, từ đó nâng cao khả năng thích nghi với sự biến đổi liên tục của ngành.
Ngoài ra, bạn cần xác định rõ điểm yếu nhất của mình trong lĩnh vực Marketing là gì? Ví dụ, nếu bạn là chuyên gia về SEO, có thể bạn cần học thêm về Copywriting hoặc Social media vì kiến thức hiện có của bạn chưa đủ hoặc đã lỗi thời. Lúc này, bạn cần tìm cách cập nhật kiến thức cho mình – không cần phải trở thành “chuyên gia” nhưng đủ để bạn có thể hiểu và thực hiện các chiến dịch marketing phù hợp.
Đó là cách mình học và cải thiện bản thân suốt thời gian qua, mở rộng trước rồi mới đào sâu và luôn kiên trì cải thiện liên tục.
Mình vẫn còn trẻ mà đúng không các bạn? Thay vì lo lắng về những vấn đề lớn lao của cuộc sống, hãy hành động thực tế hơn. Hãy làm, và đừng sợ thất bại, vì cuộc sống còn dài.
Có thể công sức mà bạn bỏ ra hôm nay chưa mang lại kết quả rõ ràng. Nhưng hãy tin vào bản thân mình. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy sự tiến bộ dần dần và tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình.
Tất nhiên, vẫn sẽ có những người giỏi về một lĩnh vực cụ thể và họ vẫn thành công. Bởi quan điểm này có nhiều cách nhìn và những chia sẻ trên là quyết định của riêng mình. Hy vọng bạn đọc có thể rút ra được điều gì đó ý nghĩa.
Dưới đây là những chia sẻ của chị Tâm, chủ kênh Ngáo Content, muốn chia sẻ với mọi người về trải nghiệm mà chị đã trải qua. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về hướng đi nghề nghiệp của mình trong tương lai.