Bạn có thể tham khảo cách của mình: Thực hiện 04 điều sau đây trước khi tốt nghiệp Đại học.
1. Nắm vững tư duy nền tảng về marketing nói riêng và kinh tế nói chung
Mình không nói đến lý thuyết, mà là tư duy. Tư duy giống như phản xạ, giúp bạn hiểu rõ những gì mình nói, làm, và học. Những lý thuyết bạn học được ở Đại học có thể liên kết với nhau và giải thích được cho người ngoài ngành.
Để trở thành planner, ban đầu bạn có thể chưa có tư duy planning nhưng chắc chắn phải có mindset marketing. Rèn luyện tư duy marketing không quá khó, chỉ cần bạn kiên trì:
- Đọc và mindmap lại giáo trình marketing ở Đại học (nếu bạn không học marketing ở ĐH, bạn có thể đọc cuốn Principles of Marketing của Philip Kotler và Gary Amstrong).
- Thử giải thích hoặc viết bài tổng kết về những kiến thức đã học. Không nhất thiết phải chia sẻ với ai, bạn chỉ cần luyện tập cách liên kết và diễn đạt là đủ
- Thường xuyên đọc tin tức về marketing và áp dụng lý thuyết đã học để giải thích: Đối tượng khách hàng của thương hiệu là ai, lợi ích họ nhận được là gì, lý do thương hiệu sử dụng các kênh marketing này, sự khác biệt giữa thương hiệu A và B, phân tích 4Ps/7Ps của thương hiệu... Đây là cách luyện tư duy rất quan trọng, đừng để não lười.
2. Xác định công việc mong muốn, phù hợp và lên kế hoạch theo đuổi từ sớm
Từ việc chọn marketing, đến xác định lĩnh vực/ngành công nghiệp muốn làm, rồi đến vị trí cụ thể để theo đuổi, và không ngừng nỗ lực trau dồi... Mình biết đó là một hành trình dài và khó khăn, nhưng rất quan trọng.
Để rút ngắn quãng đường đó, hãy lăn xả và thử mọi điều có thể: Làm influencer, đi thực tập, tham gia câu lạc bộ chuyên môn, tham gia các cuộc thi, học thêm chuyên môn bên ngoài... chỉ cần tránh làm điều trái đạo đức hoặc vi phạm pháp luật. Bạn sẽ không thể ngồi một chỗ mà tìm được công việc định mệnh của mình, và cũng ít ai đủ kiên nhẫn và tốt bụng chỉ dẫn bạn từng bước nếu bạn chưa thử, chưa cố gắng và chưa có chút trải nghiệm nào trong ngành.
Khi đã tìm được công việc ưng ý, hãy nghiêm túc tìm hiểu công việc đó cụ thể làm gì, cần kỹ năng nào, kỹ năng đó thực hiện ra sao... thông qua các bản mô tả công việc. Mình đã viết một bài blog cụ thể về vị trí planner, bạn có thể tìm đọc '03 BƯỚC LÊN KẾ HOẠCH CHO CÔNG VIỆC TƯƠNG LAI'.
3. Nghiên cứu và thực hành các kỹ năng phục vụ cho việc tìm kiếm, ứng tuyển, và làm việc
Dù bạn học gì, làm ở vị trí nào, cuối cùng ai cũng sẽ đi tìm việc. Vì vậy, bên cạnh chuyên môn, mình đã chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để tìm việc:
- Kỹ năng cần tìm hiểu: Viết CV, làm portfolio. Bạn có thể tìm kiếm trên Google, Youtube rất nhiều tài liệu. Chọn lọc thông tin từ những người có chuyên môn HR, hoặc từng làm leader+ để học hỏi.
- Thực hành: Thực tập sớm, làm thêm sớm. Ở công ty, ngoài làm chuyên môn, bạn còn phải giao tiếp, học cách làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý cảm xúc... Những kỹ năng này không thể học ở nhà. Sau khi làm ở khoảng 3 công ty, mình thấy bản thân tiến bộ rõ rệt.
Nguồn ảnh: pinterest
4. Giữ vững đạo đức nghề nghiệp, hướng tới mục tiêu xa hơn chuyện tiền lương
Tiền lương quan trọng, đúng, đặc biệt với một người xa nhà cần tự nuôi sống bản thân như mình. Vì vậy, mình sẽ đề nghị mức lương mà bạn bè đánh giá là đủ sống, còn lại mình tập trung vào các yếu tố khác: Người sếp của mình (vì ở vị trí thấp có người dẫn dắt là rất quan trọng), khả năng thăng tiến...
Mình đã nghe nhiều về 'lạm phát chức danh', hay chuyện người nào đó chẳng có năng lực chuyên môn nhưng vì giỏi làm content self-help, giỏi nói đạo lý mà lừa gạt người khác, hoặc có người năng lực thực sự thấp hơn những gì họ nghĩ nhưng vì quá tự tin nên chẳng cung cấp được dịch vụ gì đáng giá.
Đôi khi tự ti một chút cũng không hại, vì nó sẽ thúc đẩy bạn luôn cầu tiến và cung cấp giá trị thực sự của bản thân.