Đùa thôi, cái tiêu đề kia chỉ là để thu hút sự chú ý. Thực ra, tiêu đề đúng của bài này là: “Mình Bị Chửi Lên Xu Hướng Thế Nào?”
Xin chào các bạn, mình là thành viên của fanpage Content Siêu Mượt.
Gần đây, mình đã bắt đầu khám phá một nền tảng mới là TikTok. Mặc dù không phải lần đầu tiên, mình đã từng thực hiện một số dự án trước đó cho khách hàng và công ty. Đây là lần thứ hai mình tạo dự án cá nhân trên nền tảng này.
Trong những lần trước, mình chỉ tập trung vào việc chia sẻ kiến thức chuyên ngành để xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc doanh nghiệp. Số lượt xem không nhiều, chỉ đôi khi có video nào đó lên xu hướng. Kênh mới nhất của mình là về giải trí (nhưng lại chủ yếu nói về những câu chuyện buồn), mình đã đăng 8 video trong vòng 10 ngày, trong đó có 4 video lên xu hướng. Trong số đó, 2 video được xem nhiều nhất là những video mọi người tụ tập vào chỉ trích mình. Một video bị cho là giả tạo, một video thì nhận được sự chúc phúc từ cộng đồng.
Mình nhận ra rằng, để có lượt xem không khó, chỉ cần bị chửi là đủ!
Thực trạng này có phải là điều đáng buồn của nền tảng này không nhỉ? Nội dung toxic, tiêu cực thường dễ lên xu hướng. Mặc dù mình không có ý định tạo ra video gây tranh cãi, thậm chí mình còn ngạc nhiên khi người ta bảo mình không có gì đặc biệt. Gần đây, mình xem một video về sự khác biệt giữa đi làm và đi chơi, kèm với caption như: “Bộ đồ công sở làm mình kém sang bao nhiêu.” Đọc 10 comment, 9 người muốn chứng minh rằng, bạn ấy mặc gì cũng không ấn tượng, đừng tự tin thái quá!
Nhìn lại, mọi nền tảng đều như vậy. Sơn Tùng từng là “kẻ trộm nhạc” bị mọi người ghét, sau đó trở thành “Sếp Tùng” được hàng triệu người yêu mến. Những hiện tượng mạng như Hot Girl Rửa Bát và những người khác cũng thế... Rất nhiều chiến dịch, rất nhiều người dùng tâm lý đám đông để nổi tiếng, trước khi có sản phẩm hay, đi vào lòng người.
Chẳng ai vui vẻ khi phải đi đường tắt để nổi tiếng.
Nhưng brand thì khác, không thể tiêu cực trước, tích cực sau. Chính vì vậy, brand phải dần dần chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng và những câu chuyện truyền cảm hứng.
Nếu phải làm branding, dù là cá nhân hay thương hiệu, mình sẽ đi theo con đường Truyền thông tử tế.