
Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai là kẻ nhanh hơn. Để giải quyết tranh luận, chúng quyết định tổ chức một cuộc thi chạy đua.
Thỏ xuất phát như tên bắn, chạy thật nhanh. Khi nhận thấy đã bỏ xa bạn rùa, thỏ quyết định nghỉ ngơi dưới một tán cây và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua.
Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Rùa từ từ vượt qua thỏ và cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc đua. Khi tỉnh dậy, thỏ mới nhận ra mình đã thua.
BÀI HỌC CHO TÌNH HUỐNG ĐẦU TIÊN?
Chậm nhưng chắc đã thắng cuộc đua. Nhưng cuộc sống không chỉ đơn giản như vậy, câu chuyện tiếp tục được mở rộng.
Thỏ rất thất vọng vì thua cuộc và bắt đầu suy nghĩ.
Nó nhận ra rằng thất bại chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu không chủ quan và nghĩ mình chắc thắng, thì rùa không thể nào vượt qua nó được.
Vì vậy, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý.
Lần này, thỏ dốc hết sức lực và chạy thẳng một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa nhiều dặm đường.
VẬY Ý NGHĨA TRONG TÌNH HUỐNG THỨ HAI NÀY LÀ GÌ?
Nhanh và vững chắc sẽ vượt qua cái chậm và ổn định. Nếu trong công ty bạn có hai người: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và cũng đáng tin cậy trong công việc. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng tiến nhanh hơn. Chậm và chắc là tốt, nhưng nhanh và đáng tin cậy còn tốt hơn.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây. Câu chuyện thứ 3...
Rùa đã suy ngẫm và nhận ra rằng: nó không thể thắng thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm và thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.
Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua.
Thỏ, như đã tự hứa, bắt đầu chạy với tốc độ cao nhất cho đến khi đến bờ sông. Vạch đích còn cách 2 km nữa ở bên kia sông!
Thỏ ngồi xuống tự hỏi phải làm gì. Trong lúc đó, rùa đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và hoàn thành cuộc đua.
Ý NGHĨA TỪ TÌNH HUỐNG THỨ 3 LÀ GÌ?
Trước hết, cần xác định ưu thế của mình và chọn sân chơi phù hợp. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành bạn thân và cùng nhau suy ngẫm.
Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Vì vậy, họ quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng lần này họ sẽ chạy chung một đội.
Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bờ sông, rùa lội xuống và cõng thỏ bơi qua bờ bên kia. Lên bờ, thỏ lại cõng rùa và cả hai cùng về đích.
Họ nhận ra rằng đã về đích nhanh hơn nhiều so với những lần đua trước.
BÀI HỌC RÚT RA TỪ TÌNH HUỐNG NÀY LÀ GÌ?
Hãy làm việc theo nhóm! Mỗi người đều thông minh và có ưu điểm riêng, nhưng chỉ khi cùng làm việc trong một đội và chia sẻ, cống hiến ưu thế của từng người, bạn mới đạt được kết quả hoàn hảo. Luôn có những trường hợp người khác làm tốt hơn bạn.
Làm việc theo nhóm đòi hỏi phải chọn được người trưởng nhóm phù hợp cho từng tình huống cụ thể. Người có ưu thế về lĩnh vực đó nên làm trưởng nhóm.
Vẫn còn nhiều thông điệp khác từ câu chuyện này…
Lưu ý rằng cả thỏ và rùa đều không đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc chăm chỉ hơn và cố gắng nhiều hơn sau thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng hết sức.
Trong cuộc sống, khi đối mặt với thất bại, có thể đó là thời điểm thích hợp để cố gắng và nỗ lực hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần thay đổi chiến lược và tìm kiếm giải pháp khác. Đôi khi cần làm cả hai.
Thỏ và rùa cũng đã học được một bài học khác: thay vì cạnh tranh với nhau, chúng tìm cách hợp tác và đã cùng nhau đạt được kết quả tốt hơn rất nhiều.
Kết luận: Câu chuyện ngụ ngôn về rùa và thỏ dạy chúng ta nhiều bài học thú vị.
Ý tưởng quan trọng nhất là “nhanh và vững chắc” sẽ luôn vượt qua “chậm và ổn định”; làm việc dựa trên ưu điểm của bạn, đầu tư tài nguyên và hợp tác làm việc theo nhóm sẽ luôn chiến thắng bất kỳ cá nhân nào; không bao giờ từ bỏ hay nản lòng sau thất bại.
Và cuối cùng, tớ rút ra được rằng phải tìm giải pháp cho mọi tình huống, không trốn tránh khó khăn. Câu chuyện đã mang lại cho tớ nhiều bài học đáng suy ngẫm, còn các bạn thì sao?