Nhớ lại những ngày đầu khi bạn V còn ngồi trên ghế giảng đường, bạn nghĩ rằng nghề kiểm toán là một công việc to lớn và vĩ đại. Tuy nhiên, sau 3 tuần mà 90% thời gian là ngồi kiểm tra chứng từ và học Excel cơ bản, bạn V mới nhận ra: 'À, thì ra kiểm toán là như vậy.'
Kiểm toán được định nghĩa là việc kiểm tra hoạt động kinh doanh và báo cáo tài chính của một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Công việc của kiểm toán viên (KTV) là xem xét và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định công ty có công bố một cách trung thực và khách quan kết quả kinh doanh hay không. Để làm được điều này, KTV phải xem xét các nghiệp vụ, sổ sách và phương pháp kế toán của doanh nghiệp. Bằng phương pháp chọn mẫu (có cân nhắc đến mức độ trọng yếu - PM), KTV sẽ tách các phần trong hồ sơ kế toán của doanh nghiệp ra để kiểm tra, đôi khi bằng các phép thử chuyên môn, nhưng đôi khi phải ngồi làm lại hầu như toàn bộ các bước mà bộ phận kế toán của doanh nghiệp đã thực hiện để so sánh số liệu.
Tùy vào công ty mà kiểm toán viên tiến hành các phép thử khác nhau. Với những công ty có hệ thống kiểm soát nội bộ (hệ thống tự kiểm tra) có độ tin cậy cao, công việc của kiểm toán viên chỉ là thực hiện các phép thử đơn giản và nhẹ nhàng. Ngược lại, với những công ty có phòng kế toán làm việc thiếu chuyên nghiệp, công việc thực sự là một cơn ác mộng khi KTV phải ngồi kiểm tra từng bước nhỏ nhất trong đống sổ sách kế toán. Theo lời kể của các bậc tiền bối trong nghề, công việc nặng nhọc nhất là ngồi vouching, hay dân Việt mình quen gọi là 'kiểm tra chứng từ'. Và thật không may, 90% thời gian làm việc của bạn Vũ Ngo là ngồi làm công việc này. Kiểm tra chứng từ là một công việc rất sinh động! Bạn cứ hình dung trước mặt bạn là một bảng tính Excel ghi mã số, ngày phát sinh và miêu tả nghiệp vụ, bạn phải yêu cầu bộ phận kế toán cung cấp chứng từ và sau đó đích thân bạn phải ngồi 'đào bới' trong đống chứng từ để tìm ra chứng từ bạn cần, ghi lại một vài thông tin cơ sở (như ngày và số mã của phiếu hạch toán hay giấy ủy nhiệm chi của ngân hàng, ngày phát sinh, số hiệu của hóa đơn…) để đảm bảo hoạt động đó có tồn tại và đã được thanh toán đầy đủ.
Nghe có vẻ đơn giản như tra từ điển Anh - Việt phải không?! Khâu đầu tiên và cũng là khó khăn nhất của kiểm tra chứng từ là xin tài liệu (nhắc lại là 'xin' chứ không phải 'đòi' như sách vở thường nói về công việc của KTV). Các nhân viên phòng kế toán lúc nào cũng viện lý do, 'bận lắm em ơi, để chút nữa đi' mà 'chút nữa' của họ dao động từ vài phút đến vài ngày. Nói chung là rất khó khăn trong việc tìm đủ chứng từ. Sau đó đến màn tìm chứng từ. Đôi khi chứng từ chỉ cần vài giây để tìm ra, khó hơn thì phải lấy từng phiếu chi tiền (payment voucher - PV) để đọc miêu tả nghiệp vụ, và đôi khi tìm cả tiếng đồng hồ mà không ra, quay lại hỏi nhân viên kế toán thì được trả lời 'Hôm trước anh (chị) lấy ra tham khảo rồi, không nhớ để đâu nữa, để lát tìm lại cho.'
Công việc kiểm toán rất nặng nề. Sự nặng nề này không đến từ độ khó của công việc mà là từ áp lực thời gian. Công việc kiểm toán không quá khó, ngay cả khi không nắm vững nghiệp vụ kế toán. Trong số các anh chị làm tại PwC, không phải ai cũng có chuyên ngành Kế Toán hay Kiểm Toán; nhiều người đến từ các ngành ít liên quan như tài chính, ngân hàng, hay thậm chí Kinh Tế Đối Ngoại. Tuy nhiên, điều khó chịu nhất của nghề là áp lực công việc. Do số lượng nhân lực có hạn mà vào mùa kiểm toán (từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm), công việc nhiều nên việc phải hoàn thành nhiệm vụ ở khách hàng này để chuyển sang khách hàng khác là điều bắt buộc. Do tính chất công việc, KTV phải hoàn thành công việc đúng hạn với độ chính xác cao nhất. Từ đó, đã gây ra áp lực công việc nặng nề cho các KTV. Để làm rõ hơn vấn đề, Vu Ngo xin thú thật với các bạn rằng lịch làm việc thường nhật của mình là rời nhà lúc 7h30 AM và về đến nhà lúc 7h30 PM. Tuy nhiên, đó là vì mình là thực tập sinh và chưa thạo việc. Mình từng nghe một mẩu đối thoại nhỏ giữa các KTV: 'Hôm qua đi về lúc mấy giờ?' - 'À! Hôm qua mệt quá tranh thủ về sớm hơn mọi ngày lúc... 11h đêm.' Nói thế mà người trả lời vẫn cười tỉnh queo như một sự thật hiển nhiên. KTV vào mùa kiểm toán không có ngày nghỉ. Nhiều lần vào công ty vào các ngày thứ 7 chủ nhật, hay đi công việc về sau 9h đêm, văn phòng PwC vẫn luôn sáng đèn và không khí làm việc vẫn rất hối hả. Tiếng gõ bàn phím, tiếng lật tài liệu, tiếng người trao đổi công việc (bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt) qua hệ thống liên lạc nội bộ Cisco... đã thành một thứ gì đó mặc định trong văn phòng công ty kiểm toán PwC mà tưởng như nếu không có chúng thể nào trời đất sẽ sụp đổ.
Nhưng đổi lại cho khối lượng công việc nặng nề ấy là gì? Câu trả lời đơn giản nhất: tiền và kinh nghiệm. Không có nhiều nghề mà một tân sinh viên mới ra trường có thể kiếm được nhiều tiền như nghề KTV. Và trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay, trong lúc lương trung bình các ngành chứng khoán, tài chính, sales... đang bị thu hẹp thì các KTV chúng ta vẫn sống khá ung dung và thoải mái với mức lương ấn tượng của mình. Về kinh nghiệm, người ta vẫn gọi vui công ty kiểm toán là lò cung cấp nhân lực cao cấp. Rất nhiều nhân viên kiểm toán sau vài năm tích lũy kinh nghiệm, và đặc biệt sau khi đã lấy được chứng chỉ ACCA – một chứng chỉ quan trọng với kiểm toán và kế toán viên, thường “nhảy việc” sang bộ phận kế toán – tài chính của một công ty ngoài ngành kiểm toán với một chức vụ cao hơn và thu nhập “nhiều con số” hơn. Suy cho cùng, cái gì cũng có cái giá của nó, cuộc đời đơn giản chỉ là chọn lựa và đánh đổi. Vấn đề là ai chọn đúng với “giá” hời hơn mà thôi.