Chào các bạn, mình là Bảo Trân, sinh viên năm nhất Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Từng là học sinh trường Chuyên, mình được gia đình kỳ vọng sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi Đại học và đậu vào một trường danh tiếng. Nhưng mình đã thất bại. Khi biết kết quả thi, mình rất thất vọng về bản thân vì các bạn cùng lớp hoặc được tuyển thẳng, hoặc đạt điểm cao, còn mình chỉ vào được một trường tầm trung.
Mình đã từng định thi lại, nhưng sau hai tháng trong môi trường mới, mình đã thay đổi suy nghĩ...
MÌNH ĐÃ “BƯỚC RA KHỎI VỎ ỐC”.
Nghe có vẻ lạ, nhưng khi còn học cấp 3, mình rất nhút nhát, chỉ thân với chưa đến 10 người bạn. Tuy nhiên, trong môi trường mới, mình được các bạn nhận xét là rất “hướng ngoại”. Tại đây, mình gặp được một thầy là doanh nhân trẻ sở hữu hàng tỷ đồng sau nhiều chông gai, và một cô thạc sĩ với nhiều câu chuyện thú vị về thời gian du học. Chính ngôi trường mới và những người bạn mới đã là bệ phóng để mình khám phá và phát triển bản thân.
Vậy mình đã làm điều đó như thế nào? Đơn giản thôi, mình chủ động bắt chuyện bằng những câu hỏi thông dụng như: “Bạn tên gì?”, “Quê bạn ở đâu?”, “Giờ bạn sống ở quận nào?”, hoặc chia sẻ vài câu chuyện về bản thân. Chỉ những câu hỏi vụn vặt này đã mở đầu cho những thay đổi lớn lao sau này.
MÌNH ĐÃ HỌC HỎI ĐƯỢC NHIỀU HƠN.
“Học không chỉ giới hạn trong việc học văn hóa hay học trên lớp, mà còn là học các kỹ năng sống, học cách yêu thương và trân trọng”, đây là lời của một người thầy mà mình rất kính trọng. Chỉ trong ba tháng tại môi trường mới, mình đã vỡ ra nhiều điều, học cách yêu thương và thấu hiểu hơn khi nghe những câu chuyện quá khứ của bạn bè, tích lũy kinh nghiệm từ chia sẻ của giảng viên, và học được nhiều điều mới từ những trải nghiệm đầu tiên: lần đầu đi xe buýt, lần đầu thuyết trình trước đám đông, lần đầu tự nấu ăn,... Những điều nhỏ bé ấy là mảnh ghép quan trọng trong hành trình hoàn thiện bản thân.
Bài học mình rút ra là hãy học theo sở thích của mình. Ví dụ, mình thích sự màu mè, mình mua postcard, sticker để trang trí góc học tập, mua bút brush để viết calligraphy, và quay timelapse để lưu lại khoảnh khắc học tập. Đó là cách mình học các môn trên trường, còn với kỹ năng sống, mình luôn thử thách bản thân. Mặc dù có thể mắc sai lầm, nhưng không sao, có sai mới có đúng. Như lần mình muốn thử mua đồ si nhưng chợ cách nhà 10km. Thay vì đi grab, mình đi xe buýt, dù bị nhầm chuyến, xuống sai bến và té ngã trong mưa to. Những lần dám thử thách ấy giúp mình rèn luyện kỹ năng sống ngày càng tốt hơn.
MÌNH TỰ TIN HƠN VỀ BẢN THÂN MÌNH.
Đây là điều mình rất tự hào. Mình đã dũng cảm hơn trong việc phát biểu ý kiến, đạt điểm cao trong kỳ thi lấy chứng chỉ Tiếng Anh, và thử làm leader của nhóm dù nhóm đạt điểm thấp nhất. Những trải nghiệm này, dù thành công hay thất bại, đã thay đổi suy nghĩ của mình từ “Bạn không thể làm được” thành “Bạn có thể làm được”, trở thành động lực để mình không ngừng nâng cấp bản thân mỗi ngày.
Vậy liệu có bao giờ muộn để bắt đầu một hành trình mới? Theo mình là không. Mỗi người có một đích đến khác nhau, nhưng không con đường nào dẫn đến thành công là bằng phẳng. Sẽ có những lúc bạn vấp ngã hay đi vào ngõ cụt, nhưng đừng nản lòng. Vấp ngã thì đứng dậy, đi vào ngõ cụt thì chọn hướng khác hoặc tự tạo con đường mới. Trừ khi bạn dừng lại và bỏ cuộc, không có gì là quá muộn khi bạn thực sự bắt đầu.