Nếu bạn đang làm việc tại công ty và nhận các dự án ngoài giờ, bạn chỉ là một Designer có thêm công việc freelance. Thực sự, một Freelance Designer là người có nguồn thu nhập chính từ công việc tự do.
Nhiều khách hàng ngoài giờ đến mức bạn cân nhắc bỏ việc để trở thành Freelance Designer.
Công việc tại công ty của bạn ổn định, lương tốt và chế độ cũng tốt. Tuy nhiên, khách hàng liên hệ làm ngoài giờ ngày càng nhiều và bạn muốn tự lập nghiệp.
Nếu bạn tự tin thì hãy làm, đừng lo lắng. Những khách hàng này có thể đến từ công việc tại công ty hoặc do bạn bè giới thiệu.
Tôi biết vài người đã nghỉ việc công ty, tự lập team hoặc công ty riêng và thành công. Một số bắt đầu từ công việc freelance trên 99designs hay Fiverr, hoặc từ khách hàng người Việt có được trong quá trình làm việc tại công ty. Dù khách hàng đến từ đâu, nghỉ việc công ty để làm Freelance Designer có thể là một lựa chọn an toàn. Nhưng cũng có những người gặp khó khăn.
Chán công việc gò bó, không phù hợp nên quyết định nghỉ để trở thành Freelance Designer. Đây là trường hợp rất phổ biến. Nguyên nhân gây chán nản thì nhiều vô kể: chọn sai ngành, công ty tệ, chế độ không tốt, không hợp với sếp... hay đơn giản là muốn nghỉ việc. Kết quả là rơi vào tình cảnh khó khăn.
Bạn chọn trở thành Freelance Designer vì chán công việc gò bó. Nhưng bạn đã tưởng tượng công việc này ra sao chưa? Sau một thời gian, nếu bạn chán công việc này thì sao? Bạn nghĩ khách hàng sẽ tự tìm đến hay bạn phải đi săn tìm khách hàng?
(Nguồn ảnh: Freepik)
Thực tế, làm Freelance Designer không đơn giản như hoàn thành đúng deadline hoặc làm hài lòng một vài khách hàng như khi làm ở công ty. Bạn cần phải nâng cấp bản thân nhiều hơn cả khi làm việc tại công ty. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo Cường, khi đã trở thành một Freelance Designer, bạn cần phải:
Biết cách săn khách hàng hoặc làm quen với cuộc sống bấp bênh
Chăm sóc và làm hài lòng khách hàng
Quản lý dự án để không trễ deadline
Biết cách thư giãn
Đó là những yếu tố cơ bản quan trọng nhất. Ngoài ra, nếu muốn tự tạo ra sản phẩm để bán, Freelance Designer cần có tư duy chiến lược kinh doanh và các kỹ năng bán hàng trực tuyến:
Nghiên cứu từ khóa (keywords)
Nghiên cứu xu hướng (trends)
Nghiên cứu thị trường
Viết quảng cáo (copywriting)
Hiểu về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)
Viết blog…
Kỹ năng làm việc nhóm, quản lý con người nếu muốn tập hợp đội ngũ
(Nguồn ảnh: Freepik)
Chu cha, liệt kê nhiều vậy không biết bạn thấy hứng thú hay ngán ngẩm. Trong bài sau, Cường sẽ chia sẻ cho các bạn một quyển Ebook hướng dẫn làm Freelancer. Quyển này chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt khi bạn làm Freelancer đơn lẻ cho đến khi lập team, và mình nghĩ nó khá hữu ích cho bất kỳ Freelancer nào. Với điều kiện bạn chịu viết vài dòng chia sẻ về công việc hiện tại của bạn.
Còn trường hợp của bạn thì sao?
Bản thân Cường đã trải qua ba công ty khá khác biệt. Đầu tiên là một năm làm việc tại công ty thiết kế quảng cáo ở quận 3, sau đó là 6 tháng làm thiết kế cho bộ phận Marketing của một công ty Hàn Quốc. Cuối cùng, mình chỉ trụ được hai tuần làm thiết kế cho một công ty Agency ở quận 1. Một phần do công việc ở Agency năng động không phù hợp với tính cách chậm rãi của mình, mặt khác Cường vẫn duy trì được một vài khách hàng đặt thiết kế riêng.
Cường nhận ra mình không phù hợp với công việc hành chính từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cường cho rằng theo đuổi con đường thiết kế tự do – làm Freelance Designer sẽ phù hợp hơn với bản thân. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn và cần cải thiện nhiều điều, nhưng ít nhất có thể chủ động hơn về thời gian để làm những điều mình muốn. Đôi khi muốn đi câu cá vài ngày thì chỉ cần nói lời tạm biệt với một hoặc vài khách hàng. Không phải là một quyết định sống còn như khi sự nghiệp gắn liền với công ty.
Còn bạn thì sao? Hiện tại bạn ra sao? Công ty của bạn có tốt không? Bạn có muốn nghỉ việc công ty để làm Freelance Designer không? Cường cũng tò mò không biết có ai không qua giai đoạn đi làm công ty mà lao ra làm Freelance Designer luôn không nhỉ?