Nếu hỏi ai là người sáng tạo nhất? Chắc chắn đó là những đứa trẻ!
Quan điểm này được anh Thái Học – Chủ Quán trà đá chia sẻ trong một bài viết trên trang cá nhân và mình rất đồng tình.
Vì sao trẻ em lại giỏi sáng tạo?
Nhìn vào đôi mắt ngây thơ trong sáng của chúng, bạn thấy gì?
Mình thấy rất nhiều “màu trắng” – màu của sự non nớt pha chút vô tư, sự hiếu kỳ với hàng nghìn câu hỏi tại sao. Vì chưa biết nhiều nên định kiến ít, thiên kiến càng không đáng kể nên sự tò mò và khao khát khám phá của chúng vô cùng lớn. Sự sáng tạo gần như là trọng tâm cuộc sống của chúng đối với mọi thứ. Đó là đứa trẻ bên ngoài.
Ẩn dụ hình ảnh đứa trẻ trong mỗi người là đứa trẻ sáng tạo mà ai cũng có. Nó tượng trưng cho tiềm năng sáng tạo vô hạn, chứa đựng những mầm ý tưởng và chờ chúng ta đánh thức.
Tại sao sáng tạo lại vô hạn?
Bởi vì điều duy nhất không thay đổi trong vũ trụ này chính là sự thay đổi. Từ thời công nghệ 1.0 đến 6.0, từ giai đoạn ăn no mặc đủ đến ăn sang mặc đẹp, luôn tồn tại hai giá trị: bất biến và vạn biến.
Mấu chốt của sáng tạo là làm khác đi những điều bình thường, điều này phù hợp với giá trị linh hoạt của vũ trụ, mà sự linh hoạt thì không có giới hạn. Vì vậy, sáng tạo là vô hạn và khả năng khai thác, hiện thực hóa ý tưởng cao hơn chúng ta nghĩ.
Ý tưởng không tự sinh ra hay mất đi, chúng chỉ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác – như đứa trẻ sáng tạo có thể ngủ say hay tỉnh giấc. Trước khi khai thác ý tưởng, hãy kích hoạt sự sáng tạo của đứa trẻ bên trong bạn!
Khi nào sự sáng tạo thăng hoa?
Sáng tạo không phải là đích đến, mà là hành trình liên tục đối mặt với thử thách và rút ra bài học. Mình không dám chắc luôn sáng tạo mọi lúc mọi nơi, nhưng hành trình tìm kiếm ý tưởng sẽ bớt khó khăn nếu mình luyện tập quá trình chuyển hóa và nuôi dưỡng sau:
Quan sát sáng tạo > Lắng nghe sáng tạo > Suy nghĩ sáng tạo > Hành động sáng tạo > Hít thở sáng tạo
ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC TÍCH LŨY: QUAN SÁT & LẮNG NGHE SÁNG TẠO
Từ nếp sống hàng ngày, thói quen, sở thích, những gì bạn tiếp nhận qua 5 + 1 giác quan đều cần được quan sát, nhận biết, ghi chép và suy ngẫm. Hoạt động này giúp bạn chuyển hóa dữ liệu thô thành dữ liệu tinh, biến cái biết thành cái của mình một cách tự nhiên và phù hợp.
Sau vài năm sáng tạo, mình nhận ra mình hay bí ý tưởng vì...kiến thức của mình quá ít, chưa đủ sâu và chưa đa dạng, thiếu nhiều góc nhìn. Vì vậy, việc xây dựng “nền tảng” cho sáng tạo chưa bao giờ cần thiết như bây giờ, để mình tích lũy vốn hiểu biết, vốn sống, vốn nghề để tạo nền tảng vững chắc cho những ý tưởng sắp ra đời.
ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC HÌNH THÀNH: SUY NGHĨ SÁNG TẠO
Sau giai đoạn tích lũy, đã đến lúc “bão não” và trải qua vô vàn lần thử nghiệm. Mình cần làm gì đó với những nguồn tài nguyên sáng tạo kia, bắt đầu bằng việc suy nghĩ về chúng.
Không phải nghĩ lan man mà đây là lúc kích hoạt hệ thống tư duy phản biện, trừu tượng, tổng hợp hay tư duy ngược để sắp xếp dòng suy nghĩ thành câu chuyện và từ đó ý tưởng sẽ được hình thành.
Gần đây mình quen một bé qua mạng, hai chị em mới gặp mà đã thân, vừa nói chuyện đã rất gắn kết. Trong nhiều cuộc hội thoại, mình và bé tích cực trao đổi, đối chiếu, phân tích, và kết luận nhiều suy nghĩ về công việc content, design và content creator.
==> Kết quả là mỗi người đều nảy ra vài ý tưởng hay và chúng mình đã phát hiện ra chân lý “thì ra cách chúng ta sáng tạo là như thế này”.
Và dĩ nhiên, suy nghĩ sáng tạo thôi chưa đủ, hãy hiện thực hóa những suy nghĩ đó qua giao tiếp (như ví dụ trên), qua con chữ, hình ảnh, video và nhiều phương thức biểu đạt khác. Đó chính là những việc phát triển sáng tạo mình sẽ đề cập tiếp theo!
ĐỐI VỚI CÔNG VIỆC PHÁT TRIỂN: HÀNH ĐỘNG & HÍT THỞ SÁNG TẠO
Thần tượng của mình, anh JustaSuy (Justatee), là người nghệ sĩ mình đặc biệt ngưỡng mộ và quý mến. Ngoại hình hay cá tính của anh thì không cần bàn (rất tuyệt vời), âm nhạc của anh luôn cuốn hút mình một cách kỳ lạ. Để không lạc đề, mình muốn nhấn mạnh tính chân thật, sự thuần khiết với chút “ngây ngô” dễ cảm trong sản phẩm của anh.
Trong một tập lâu rồi trên Have A Sip, anh JustaTee có chia sẻ rằng anh luôn giữ gìn và nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong, sự thuần khiết ấy để tạo ra những sản phẩm dễ chạm tới trái tim khán giả. Anh đã làm nhạc và sáng tác nhạc như hơi thở, nên không ngạc nhiên khi mọi người gọi anh là “chiến thần” nhạc quảng cáo.
Thêm một trường hợp khác, nhân vật Kate của gia đình Denali trong Twilight: Breaking Dawn 2, siêu năng lực của cô là làm tê liệt đối thủ bằng cách phát điện từ tay. Cô từng hướng dẫn Bella, vợ Edward, cách phát huy siêu năng lực rằng hãy mường tượng năng lực đó, cách nó di chuyển trong cơ thể, và hình dung nó lan rộng ra. Ý chí sẽ đẩy năng lực vượt ngoài phạm vi bản thân mình. Giống như cách Kate đã luyện tập để phát huy năng lực phát điện của cô, cần thời gian và sự luyện tập để biến năng lực thành hiện thực, nhẹ nhàng như hơi thở.
==> Điểm chung của hai nhân vật mình đề cập là họ đã luyện tập không ngừng, nuôi dưỡng năng lực từ bên trong và để nó “trưởng thành” theo thời gian.
Giống như hành trình từ zero đến hero, nếu không trải qua những công việc nhỏ nhất là tích lũy, làm sao sáng tạo có thể nở rộ? Lộ trình này đi từ manh nha đến thuần thục sáng tạo và theo một đường xoắn ốc từ dưới lên. Thế giới rộng lớn và vô hạn, nhưng sức người và hiểu biết có hạn, nên việc liên tục luyện tập nhìn, nghe, nghĩ, làm và chia sẻ sáng tạo là vô cùng cần thiết.
Lời kết
Vậy là đã kết thúc phần nhận diện và thấu hiểu bản chất sáng tạo, mình sẽ chia sẻ tiếp 2 mục nữa về tips thực hành với đứa trẻ sáng tạo. Cảm ơn mọi người đã đọc đến tận cuối!