Ra trường gần hai năm, tôi chọn nghề Sales xuất khẩu thay vì logistics vì tôi thích làm việc với khách hàng quốc tế. Mỗi lần thấy hàng Việt Nam được đóng gói và xuất khẩu, tôi cảm thấy vừa vui vừa tự hào!
Trong gần bốn năm, tôi đã mở rộng được 20 thị trường với thu nhập từ 7 đến 9 chữ số. Tôi hy vọng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp ích phần nào cho các bạn Gen Z chuẩn bị ra trường và muốn theo đuổi nghề Sales xuất khẩu.
1. Môi trường làm việc
Đối với tôi, một công ty đáng để gắn bó là nơi mà tôi nhận được:
· Kinh nghiệm
· Mối quan hệ
· Tiền bạc
Nếu 2/3 yếu tố trên không đủ, tôi sẽ quyết định rời đi. Bạn là ai không quan trọng, quan trọng là bạn ở bên cạnh ai. Với tôi, môi trường làm việc quyết định rất nhiều. Hãy nhìn vào người quản lý và sếp của mình để biết mình sẽ là ai, mình sẽ làm gì, mình muốn trở thành người thế nào. Nhìn vào văn hóa doanh nghiệp để xem mình học hỏi và phát triển ra sao. Khi bắt đầu tìm công ty và gửi CV, tôi sẽ tìm hiểu kỹ sếp của mình là ai và văn hoá doanh nghiệp thế nào để tránh lãng phí thời gian.
2. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng
- Biết mình là định vị bản thân, biết sản phẩm mình bán có điểm đặc biệt gì để tự tin bán hàng, biết công ty có thế mạnh gì?
- Hiểu sản phẩm, hiểu đối thủ, hiểu khách hàng, hiểu thị trường, hiểu xu hướng,... Tôi luôn đặt câu hỏi: Ai? Tại sao? Khi nào? Như thế nào? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng giúp tôi hiểu rõ mình đang ở đâu, đang làm gì. Ai là khách hàng tiềm năng của bạn? Đối thủ tìm kiếm khách hàng như thế nào? Tại sao khách hàng nên chọn/không chọn sản phẩm của bạn?
3. Học hỏi và hành động quyết liệt
- Doanh nghiệp không thiếu người, chỉ thiếu người phù hợp. Vậy bạn đem lại giá trị gì cho doanh nghiệp? => Không ngừng HỌC HỎI và HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT.
- Học từ đâu? Sếp của bạn, đối thủ, đồng nghiệp, nhóm Facebook, Linkedin, những người giỏi có kinh nghiệm chuyên môn,...
- Học điều gì? Củng cố kiến thức chuyên ngành + phát triển kỹ năng bổ trợ.
- Kỹ năng Word, Excel, Power Point, Canva, Chat GPT,...
- Kỹ năng giao tiếp, đàm phán bán hàng, chốt giao dịch BẠN-BÀN-BÁN, giải quyết vấn đề, viết email chào hàng,...
- Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, định hình xu hướng và dự đoán thị trường, giá cả hiện tại từ các thị trường cạnh tranh, cung cấp thông tin cập nhật cho khách hàng về những điều họ quan tâm…
- Tìm kiếm khách hàng thông qua từ khóa trên Google (liên quan đến ứng dụng sản phẩm, thị trường đích, ngành liên quan…), tham gia hội chợ, sử dụng dữ liệu hải quan từ các quốc gia, Linkedin, Panjiva, Website, email, cuộc gọi trực tiếp, và các nguồn giới thiệu khác…
Không biết thì hỏi, sales không cần tự tin nhưng cần mặt dày!
4. Công việc tốt cần thời gian
- Đừng than trách, hãy kiên nhẫn làm việc. Tự đặt ra mục tiêu và tập trung, tập trung, tập trung. Trong 8 tháng đầu tiên, tôi không bán được bất kỳ đơn hàng nào, nhưng thời gian đó tôi dành để nắm vững sản phẩm, nghiên cứu website/hồ sơ công ty, phân tích thị trường, khảo sát đối thủ, theo dõi các bài đăng trên LinkedIn, gửi email tới các tệp khách hàng tiềm năng, ghi chép lại các thị trường tiềm năng, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, và áp dụng kiến thức đó vào công việc. Khách hàng muốn mua hàng từ những người bán hàng HIỂU BIẾT, CHÂN THÀNH và CHỦ ĐỘNG.
Nguồn ảnh: Lê Hoài Thương - Gen Z làm sales xuất khẩu
5. Sẽ gặp vấn đề trong mỗi đợt hàng
- Kinh doanh luôn xuất hiện những thách thức.
Ngừng than phiền, hãy tìm cách giải quyết vấn đề. Chia sẻ mọi thông tin một cách trung thực với khách hàng, thông báo về thời gian giao hàng nếu có trễ, điều chỉnh giá cả nếu có thể hỗ trợ… Tôi đã từng bị phạt tới 7000$ vì giao hàng chậm trễ. Kinh doanh không chỉ về tiền bạc, mà còn là trách nhiệm đối với mỗi đợt hàng, sự chuyên nghiệp, uy tín và sự đồng hành cùng nhau!