️Một số thành tích của mình:
Điểm thi Đánh giá năng lực: 966 điểm
Điểm thi THPTQG: 27,75 (Khối A01)
Giải nhất chung cuộc chương trình ngoại khóa 'Văn học xây đắp tâm hồn'
Giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi Trạng Nguyên
Khi đang ngồi tán gẫu với đám bạn ở quán cafe thì bất ngờ nhận được tin nhắn Messenger: Lời mời viết bài chia sẻ cho các bạn sắp thi Đánh giá năng lực năm nay. Mình liền quay qua kể cho mấy đứa bạn và thế là cả đám chìm vào những ký ức...
Nhớ lại hồi đó ai cũng từng trải qua những đêm không ngủ vì kỳ thi này quan trọng quá. Tụi mình tìm đủ mọi “mẹo” ôn tập, làm bài, chuẩn bị mọi thứ cho đến ngày thi. Nhưng khi thi xong mới nhận ra… các “mẹo” đó không hẳn hiệu quả (ít nhất là với mình)! Nhờ vậy, mình tự rút ra một số bài học quan trọng để đạt kết quả tốt trong kỳ thi này. Những điều mình sắp chia sẻ có thể khác biệt nhưng lại rất hiệu quả với những người mình từng chia sẻ:
1.
Thứ nhất: Về mặt tâm lý
Hầu hết các bạn đều có chung một nỗi LO SỢ trước, trong và sau khi thi. Mình không khuyên bạn không sợ (vì điều đó là không thể), nhưng hãy nhớ đừng để nỗi sợ chi phối trong phòng thi. Hãy bình tĩnh làm bài, làm câu nào chắc câu đó và tự tin nếu làm được. Kỳ thi này chỉ là một trong nhiều cơ hội, không phải CƠ HỘI DUY NHẤT.
Những ngày gần thi, hãy giữ gìn sức khỏe. Đề thi là sự tích hợp nhiều kiến thức, để làm tốt cần một quá trình phấn đấu lâu dài chứ không phải sự nhồi nhét kiến thức trong vài ngày.
2.
Thứ hai: Các “mẹo” ôn và thi của mình
Một bí mật là các môn tự nhiên (đặc biệt là vật lý) thường có những câu chưa học đến. Như năm mình thi, khi mới học đến chương lượng tử ánh sáng thì đề đã có câu về hiện tượng phóng xạ. Tuy nhiên, những câu này dễ, không phức tạp, không đánh đố, nhưng để làm được thì ít nhất bạn phải từng học qua. Nếu thầy cô chưa dạy thì bạn nên tự đọc sách hoặc tìm tài liệu trên mạng để nắm lý thuyết và công thức của các chương sau.
Thực tế là những bạn học tự nhiên sẽ có chút lợi thế hơn, vì các môn như sử và địa thực sự đề thi khá dễ, chỉ hơi đánh lừa thôi chứ không đòi hỏi kiến thức sâu rộng như kiểm tra trên lớp. Chỉ cần tư duy một chút, nhớ lại bài cũ một chút (tất nhiên là đã đọc sách trước đó) là làm được. Ngược lại, các môn lý, hóa, sinh sẽ có những câu hỏi từ mức vận dụng cao đến rất cao dành cho các bạn có tư duy logic và khả năng tính toán tốt.
“Vậy phần ngôn ngữ thì sao?” - “Lừa.” Đó luôn là câu trả lời của mình khi ai đó hỏi về phần tiếng Việt và tiếng Anh của đề thi. Đến mức nếu không trao đổi với bạn bè và dò đáp án trên mạng thì bạn cũng không biết mình bị lừa ở đâu. Vì vậy, hãy cẩn thận và tỉnh táo khi làm bài, đừng để mình rơi vào những “bẫy lừa” của đề như những thí sinh khác (vì nguyên lý là câu nào nhiều người sai câu đó điểm sẽ cao).
Nguyên tắc cơ bản: Phần nào dễ coi trước, câu nào dễ làm trước.
Nếu là mình, mình sẽ làm phần ngôn ngữ đầu tiên vì đó là lúc đầu óc còn tỉnh táo (phù hợp để tránh bẫy và câu hỏi đánh đố của đề), sau đó lướt qua mấy bài đọc sử địa vì khá dễ (để dành thời gian cho những phần khó hơn). Sau đó quay lại làm toán, tư duy logic và phân tích số liệu như một cách để “khởi động” não cho những câu tính toán và suy luận, cứ vậy làm đến các câu còn lại của phần giải quyết vấn đề.
Lưu ý:
3.
Thứ ba: Một số lời khuyên bổ sung
Về tài liệu ôn thi, trước đây mình chỉ dùng những tài liệu tự có như sách giáo khoa, ôn đi ôn lại đống đề thi và bài tập đã giải. Khi rảnh, mình lại lên Facebook lướt và chỉ tập trung vào các fanpage, group có đăng câu hỏi ôn thi ĐGNL.
Ngoài ra, hãy lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng những thứ liên quan như giấy tờ, bút gôm, atlat, phương tiện di chuyển,... Những thứ nhỏ nhặt này nếu bỏ sót vẫn có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý vào ngày thi. Vì vậy, hãy một lần nữa lên kế hoạch và quản lý thật kỹ các thứ liên quan này.
Đó là tất cả… thật ra mình đã rút gọn nhiều so với những gì muốn nói (do đây là bài viết chứ không phải bài nói). Chúc các bạn có một kỳ thi thật thành công và bay cao!