Khi ở nhà, em gái mình thường hỏi: “làm sao để có ý tưởng cho bài viết TOEFL.” Mình hay trả lời: “Nếu bài TOEFL cho hai lựa chọn A và B, em ủng hộ A thì thử nghĩ xem có lý do gì để chọn B.”
Thực ra rất đơn giản, khi chúng ta tin một vấn đề là đúng, chúng ta có vô số ý tưởng để bảo vệ nó. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng những người ủng hộ ý kiến đối lập cũng có nhiều lý lẽ để bảo vệ quan điểm của họ. Khi họ đưa ra lập trường và tấn công vào điểm yếu của chúng ta, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc phản biện. Đặc biệt khi nói bằng ngôn ngữ thứ hai (tiếng Anh), chúng ta không đủ vốn từ để tranh luận với người bản xứ.
Cách tốt nhất là “tư duy ngược,” nếu muốn A thì nghĩ theo hướng B. Khi nghĩ đến B, chúng ta sẽ hiểu được phe đối lập sẽ nói gì và tấn công bằng cách nào. Việc này có ba lợi ích: một là giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn, hai là có phương án phản biện tốt hơn, ba là khi thật sự “tư duy ngược” chúng ta sẽ đồng cảm với đối phương hơn và đối phương sẽ nhận thấy điều đó. Như vậy khi tranh luận thắng, họ sẽ tâm phục khẩu phục.
KỸ NĂNG 11 - KHÔNG CÓ AI GHÉT MÌNH CŨNG SẼ KHÔNG AI THÍCH MÌNH
Hãy nhớ rằng, quan điểm của người Mỹ không quan trọng. Đôi khi chúng ta quá cẩn trọng trong lời nói, không dám thể hiện ý kiến (thường là do được dạy từ bé) khiến họ thấy chúng ta mờ nhạt. Tốt nhất là cứ nói thẳng suy nghĩ của mình. Có người không đồng ý nhưng cũng có người sẽ ủng hộ. Vì vậy, đừng bận tâm người khác nghĩ gì, hãy bày tỏ quan điểm của bạn, những người có cùng ý kiến sẽ nhận ra và trở thành bạn. Nếu bạn không thích thể hiện quan điểm, cũng không sao, không ai ghét cũng chẳng ai yêu bạn. Bạn cứ sống trong thế giới riêng của mình là được.
Hôm trước đi bộ đến trường, một nhóm người lái xe qua chửi: “Này kẻ thua cuộc. Mang giày mà đi bộ à? Tưởng phải có Mercedes chứ?” Mình bình thản đáp: “Xin lỗi, tôi không biết tiếng Anh, có vấn đề gì không?” Dĩ nhiên mình nói bằng tiếng Anh, thêm vài cái gãi đầu, nụ cười huyền thoại và đôi mắt tròn xoe. Hãy nhớ, khi bị người Mỹ trêu, bạn có thể tự giễu mình. Khi bạn tự giễu mình, không ai dám cười bạn nữa. Không việc gì phải cúi đầu xấu hổ khi bị trêu.
Năm lớp 7, có một bạn trong lớp mình đến kỳ kinh nguyệt và dây ra ghế, bị các bạn nam trong lớp cười nhạo. Thật sự rất xấu hổ. Khi học phổ thông ở Mỹ, mình cũng bị một lần như vậy mà không biết làm sao, nói với mấy bạn xung quanh thì chúng không hiểu. Bất ngờ có một bạn nam hỏi: “Mày đang đến kỳ à?” (You have period right?) làm mình đỏ mặt. Bạn nam đó sau đó dẫn mình đến chỗ cô bạn thân của nó để mượn đồ dùng phụ nữ.
Mình hỏi bạn đó, không thấy chuyện này đáng xấu hổ sao. Nó bảo chẳng có gì xấu hổ. Thực ra các bạn nữ rất thiệt thòi vì tháng nào cũng phải chịu, nên những ngày đó bọn con trai nên thông cảm và giúp đỡ.
Ở Việt Nam, con gái thường được dạy phải giữ ý tứ, khiến bọn con trai thường coi đó là cớ để trêu chọc. Nhưng nếu phụ huynh dạy con rằng việc con gái có những tình huống đó không phải là xấu hổ và nhắc nhở con trai không được cười cợt khi thấy bạn gái gặp khó xử, thì người Mỹ cũng sẽ có cái nhìn khác về chúng ta.