Tuần trước, trên mạng rộ lên nhiều clip trên Tiktok bàn về những ngành học “vô ích” khiến học sinh đang cân nhắc chọn ngành rất hoang mang. Nhiều bạn cũng gửi tin nhắn hỏi mình về “nên chọn ngành nào để ra trường có việc làm ngay và thu nhập cao?”. Mình sẽ trả lời bằng một câu chuyện cá nhân nhỏ.
1. Câu chuyện nhỏ về cách mình chọn ngành học
Nguồn: Freepik
Vào năm lớp 12, khi đang trong giai đoạn cao điểm chọn trường và ngành học đại học, bạn bè mình thường tranh cãi nảy lửa với bố mẹ. Những cuộc tranh cãi đó cũng xoay quanh những vấn đề mà các bạn trẻ ngày nay phải đối mặt: chọn ngành mình yêu thích hay chọn ngành mà gia đình cho là “thực tế”, dù mình có thích hay không. Nhưng ba mẹ mình, đặc biệt là mẹ, kiên quyết với quan điểm: “Nó thích học ngành nào, cho học ngành ấy!”
Lý do là vì mẹ mình từng học Trung cấp Tài chính, một ngành rất “hot” cả 45 năm trước vì tính thực tiễn của nó. Nhưng nó hoàn toàn không phù hợp với tính cách mộng mơ và ghét những con số của mẹ. Mẹ kể rằng ngay từ những môn học đầu tiên mẹ đã thấy rất “khó nhằn”, nhưng vẫn cố gắng học cho qua. TUY NHIÊN, đến khi học môn gẩy bàn tính (loại bàn tính có những viên tròn như trong phim cổ trang Trung Quốc) thì mẹ mình “bỏ chạy” vì nhận ra đây không phải thứ mình muốn học, có thể học và làm tốt được.
Sau cú gẩy bàn tính định mệnh ấy, mẹ mình quyết định xin ông bà ngoại cho nghỉ học để ôn thi lại đại học. Năm sau, mẹ đỗ vào khoa Văn của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Và đó cũng là nơi mẹ gặp một người bạn học là bộ đội vừa từ chiến trường trở về, đó chính là ba mình.
Với tấm bằng cử nhân Văn, mẹ mình làm nhà báo cho một tờ tạp chí ngành, còn ba mình thì biên soạn từ điển quân đội. Hai công việc này, như các bạn có thể đoán, không mang lại nhiều tiền bạc hay quyền lực. Thậm chí, có giai đoạn khi còn nhỏ, thấy gia đình mình không giàu có như bạn bè, mình từng tuyên bố hùng hồn: “Lớn lên con sẽ không theo nghề viết vì nghề viết ít tiền”.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của một đứa con, mình nhận thấy niềm hạnh phúc và sự tự tin mà ba mẹ có được khi làm công việc họ yêu thích và làm tốt nhất. Mình lớn lên với những đêm nhìn mẹ thức biên tập bài, đôi khi mẹ nhờ “anh bạn học” xem câu này sửa thế nào. Ba mình chậm rãi cầm bài lên, giải thích: “Cụm từ này dùng chưa đúng, dễ gây hiểu lầm”. Mẹ mình giật lại: “Đâu? Đâu? Để em xem…” Những đêm như vậy, mình nhận ra hạnh phúc trong công việc không nhất thiết đến từ tiền bạc, quyền lực hay chức vụ, mà từ niềm vui, cảm giác tự do và sự tự tin khi cống hiến giá trị cho xã hội, dù chỉ là ở khía cạnh nhỏ nhất.
Vì thế, năm lớp 12, dù nghe nhiều lời bàn ra tán vào, mình vẫn chọn ngành mình yêu thích mà ít ai hiểu: Quốc tế học. Quá trình học rất vất vả vì chuyên ngành khó và học bằng tiếng Anh, nhưng mình thích mọi môn học, từ Kinh tế chính trị, Kinh tế vĩ mô, đến Toàn cầu hóa, Đối ngoại quốc tế... Sau hai năm làm việc sau khi ra trường, mình theo đuổi đam mê học cao học ở nước ngoài với ngành Lãnh đạo Giáo dục. Và trái với lời tuyên bố ngày nhỏ, mình đã trở thành một người viết.
Đối với mình, không có ngành học nào “vô dụng”, điều quan trọng là ta biết cách biến những điều mình học trở nên “hữu dụng” trong sự nghiệp.
2. Những đúc kết của bản thân mình
Nguồn: Freepik
Từ đây, mình gợi ý ba điều các bạn trẻ nên cân nhắc khi chọn ngành học:
BẮT ĐẦU TỪ BẢN THÂN
Mình không khuyến khích chạy theo đam mê mù quáng, nhưng mình phản đối việc bỏ qua cảm xúc và sở thích để chọn con đường “thực tế” hơn (mà chưa chắc đã tốt hơn). Nếu bạn chưa biết định hướng của mình là gì, mình có nhiều nội dung trên blog, YouTube, podcast hướng dẫn các mô hình tự định hướng (ví dụ: Ikigai, Chính Bắc).
KHÔNG AI ĐOÁN CHẮC ĐƯỢC TƯƠNG LAI
Vì không ai biết chắc được tương lai sẽ ra sao, mình nghĩ tốt hơn hết là chọn con đường mà bạn cảm thấy thoải mái nhất (quay lại ý đầu tiên) rồi tiếp tục tìm kiếm, mở ra cơ hội mới và phát triển bản thân theo sự thay đổi của thị trường... Suy cho cùng, dù lỗi thuộc về ai, bạn là người duy nhất phải sống với quyết định năm 18 tuổi của mình. Tuy nhiên, rất may là còn có ý thứ ba:
LUÔN CÓ THỂ CHỌN LẠI
Kiến thức sẽ luôn hữu ích nếu ta biết cách áp dụng vào những việc mình làm. Tấm bằng đại học không phải là “bản án tù chung thân” buộc ta phải theo đuổi một nghề duy nhất suốt đời! Cuộc sống thực sự ý nghĩa hơn khi ta được làm những điều mình yêu thích.