Ngành Luật được xem là một trong những ngành đặc thù, do đó cũng chịu nhiều định kiến không kém các ngành khác. Hãy cùng mình giải đáp một vài hiểu lầm về ngành luật nhé.
Học Luật thì ra trường làm luật sư à?
Tất nhiên là không chỉ làm luật sư đâu. Ngành luật có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hành chính văn phòng, cán bộ, công chức, viên chức cho đến tuyển dụng. Chi tiết sẽ có ở phần dưới.
Học Luật phải nhớ hết tất cả các bộ Luật sao?
Không hề. Với lượng kiến thức khổng lồ từ các bộ luật, thông tư, nghị định,... thì không thể nhớ hết được. Chưa kể các bộ luật thường xuyên thay đổi, nên việc nhớ hết là không thể. Thay vào đó, chúng ta sẽ học về tư duy nghề luật, khi gặp vấn đề sẽ biết nó liên quan đến luật nào, cơ quan nào, quy trình thủ tục ra sao và cách nhìn nhận về chúng.
Học Luật có nhàm chán không?
Hoàn toàn không. Học Luật chỉ nhàm chán khi chỉ học lý thuyết, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì rất thú vị.
Học Luật thì giỏi tranh luận?
Đây là một định kiến phổ biến. Không phải ai học Luật cũng giỏi tranh luận và ngược lại, không phải ai giỏi tranh luận cũng học Luật. Mình học Luật mà còn thua bà bán cá ngoài chợ kia mà!
Những môn học Luật ở đại học sau này có áp dụng vào công việc không?
Thường thì khá ít môn học ở đại học được áp dụng trực tiếp. Ví dụ, ở đại học bạn học Luật Dân sự, Luật Hình sự,... chủ yếu để có nền tảng. Khi làm việc, bạn sẽ sử dụng các luật khác như Luật Môi trường, Luật Bảo hiểm,... Học đại học giúp bạn có tư duy pháp lý để làm việc với các bộ luật mà có khi bạn còn chưa biết tới.
Kỹ năng cần có để học Luật?
Đọc nhiều, đọc mãi, đọc không ngừng
Tư duy kỹ càng, tư duy liên tục để tránh bị lừa
......
Ngoài việc giải đáp những định kiến một cách vui vẻ, mình cũng muốn giúp các bạn hiểu rõ hướng đi nếu các bạn dự định theo học ngành Luật.
NGÀNH LUẬT MỞ RỘNG VÀ CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Có hai lựa chọn chính cho sinh viên tốt nghiệp ngành luật: Thứ nhất, làm công việc trực tiếp liên quan đến luật (luật sư, công tố viên,…); Thứ hai, làm trong lĩnh vực khác và áp dụng kiến thức về luật để làm việc hiệu quả hơn (viết báo về pháp luật, kinh doanh với nền tảng luật,...). Bởi vì mọi ngành đều phải tuân thủ luật pháp, nên cơ hội việc làm trong lĩnh vực này không phải là ít.
Trong lĩnh vực Luật cũng có nhiều cách phân loại. Dưới đây là hai cách thường được sử dụng.
Cách thứ nhất, chia công việc thành 2 khối: Khối công và Khối tư.
- Khối công: Liên quan đến Nhà nước, làm việc ở các tổ chức như toà án, viện kiểm sát, cơ quan hành chính,… Khối lượng công việc trong khối công rất lớn, nếu gặp trường hợp công việc, thủ tục hành chính bị giải quyết chậm hơn dự kiến, chúng ta cũng nên thông cảm.
- Khối tư: Liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Bạn có thể làm tư vấn luật cho các công ty từ nhỏ đến lớn, vì mọi doanh nghiệp đều cần hiểu luật. Với người dân, bạn có thể làm luật sư tư vấn hôn nhân, giải quyết tranh chấp gia đình,… Nhu cầu này rất lớn và sẽ tiếp tục phát triển.
Khi làm việc trong khối công, bạn chỉ được làm những điều luật cho phép. Trái lại, khi làm trong khối tư, bạn được làm những điều luật không cấm. Đây là 2 khía cạnh khác nhau, định hình cách tư duy, xử lý công việc đặc thù của từng khối, và câu hỏi mà trước khi làm bất cứ điều gì tôi cũng phải trả lời rất rõ: “Luật cho mình làm gì?”; “Luật không cho mình làm gì?”; “Luật cấm mình làm gì?”; “Luật không cấm mình làm gì?”.
Cách thứ hai là phân loại công việc thành 3 lĩnh vực: Dân sự, Hình sự và Hành chính.
- Dân sự: Bao gồm các lĩnh vực như hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động,…
- Hình sự: Xử lý các vi phạm pháp luật có tính chất tội phạm, ảnh hưởng đến trật tự pháp luật xã hội.
- Hành chính: Giải quyết các vấn đề thủ tục pháp lý như thuế, đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh,…
Dù phân loại ra sao, cần nhấn mạnh tiềm năng phát triển của hầu hết các lĩnh vực trong ngành luật đều rất lớn. Việt Nam đang phát triển và tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp mọc lên, doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp với vốn đầu tư nước ngoài đều không ngừng mở rộng và phát triển. Ngành luật là một ngành rất đặc biệt vì khi xã hội phát triển hoặc suy thoái, luôn có các vấn đề pháp lý cần giải quyết kèm theo, do đó, nhu cầu tư vấn luật luôn rất cao. Vì vậy, nguồn nhân lực cho ngành luật, bất kể làm trong lĩnh vực dân sự, hình sự hay hành chính đều có nhiều cơ hội để phát triển.
Hi vọng thông tin trên có thể giúp các bạn hình dung được tương lai của mình.