Theo mình, câu trả lời là hoàn toàn có thể.
01. Tuần trước có một bạn nhắn tin hỏi mình: “Chị ơi, người hướng nội như em có thể học truyền thông được không? Em thấy mình không giỏi giao tiếp, ghét đám đông và thích làm việc độc lập.”
Mình trả lời rằng rất khó để đưa ra câu trả lời có hoặc không trong trường hợp này, nên mình sẽ viết một bài chia sẻ những trải nghiệm cá nhân để các bạn hướng nội có thêm góc nhìn về ngành truyền thông nhé!
02. Nhìn nhận định kiến về truyền thông
Mình là người hướng nội, thuộc nhóm Hướng nội Xã hội (Social Introvert), theo phân loại của Jonathan Cheek.
Mình từng có suy nghĩ rằng: “Mình không thể học và làm trong lĩnh vực truyền thông.”
Vì sao lại vậy?
Bởi vì “truyền thông” là một ngành thường do những người hướng ngoại chiếm lĩnh. Họ năng động, nhiệt tình, giỏi giao tiếp và có khả năng kết nối khiến mọi người xung quanh yêu quý họ. Truyền thông, về cơ bản, chẳng phải là sự kết nối giữa con người với con người sao!”
03. Thực tế là: người hướng nội hoàn toàn có thể thành công nếu hiểu đúng về truyền thông
Thế giới truyền thông vô cùng rộng lớn. Với sự hiểu biết hạn chế của mình ở tuổi 18, mình đã đưa ra một định nghĩa rất đơn giản với vài từ khóa nổi bật theo bản năng:
“Hmm, truyền thông nghĩa là ...làm quảng cáo, phỏng vấn báo chí, tổ chức sự kiện ồn ào, náo nhiệt...và tất nhiên một người hướng nội như mình không thể phù hợp với những công việc như vậy.”
Sau khi thực sự khám phá và dấn thân vào ngành truyền thông, mình nhận thấy có vô số cơ hội phát triển. Người hướng nội hoàn toàn có thể tỏa sáng với những vị trí công việc phù hợp. Thậm chí, tiềm năng của họ ngang bằng với những người hướng ngoại.
Mình so sánh không phải để tranh hơn thua mà để người hướng nội tự tin vào khả năng của mình. Tương lai không do tính cách quyết định, mà là do cách sống và chấp nhận bản thân, cùng những ưu nhược điểm để đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Trong ngành truyền thông, ngoài những vị trí cần tính cách hướng ngoại như tổ chức sự kiện, đối ngoại,... thì còn rất nhiều công việc phù hợp với người hướng nội. Những công việc này yêu cầu khả năng làm việc độc lập, sâu sắc, tỉ mỉ, giàu ý tưởng sáng tạo như Nghiên cứu phân tích dữ liệu, Lập kế hoạch truyền thông, Sáng tạo nội dung, Quản trị mạng xã hội,...
Hiện tại, mình đang đảm nhận vai trò Quản trị mạng xã hội và Sáng tạo nội dung cho một công ty sách và một dự án startup về mạng xã hội. Cụ thể, công việc của mình như sau:
+ Quản trị mạng xã hội: quản lý cộng đồng đa kênh của thương hiệu, đọc và phản hồi các bình luận của người dùng một cách phù hợp.
+ Sáng tạo nội dung: nghiên cứu và sáng tạo nội dung cho nhiều kênh khác nhau. Vị trí này yêu cầu khả năng làm việc độc lập và sáng tạo cao, rất phù hợp với những người hướng nội.
+ Freelance Writer: người viết nội dung tự do.
04. Lợi thế của người hướng nội trong ngành truyền thông
LẮNG NGHE VÀ QUAN SÁT.
Chúng mình thích lắng nghe hơn là nói chuyện. Chúng mình quan sát nhiều hơn là mở lời. Điều này giải thích tại sao người hướng nội lại có khả năng khám phá những góc nhìn độc đáo, những khía cạnh mà người khác thường bỏ qua, những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng...
Thay vì bị cuốn theo dòng chảy nhanh và mạnh của thế giới bên ngoài, người hướng nội thường tìm về nội tâm để đánh giá và suy ngẫm về những điều thực sự quan trọng đang diễn ra.
Ứng dụng vào thực tế trong ngành truyền thông, lĩnh vực đòi hỏi sự lắng nghe và thấu hiểu khách hàng của bạn. Làm sao để bạn nhận ra những gì khách hàng cần trong tương lai? Làm sao để dự đoán xu hướng tiêu thụ nội dung sắp tới? Làm sao để khai thác những góc nhìn mới lạ từ những đề tài quen thuộc?...
Ngoài khả năng lắng nghe và quan sát, người hướng nội còn có sự sáng tạo dồi dào và trí tưởng tượng phong phú. Bạn có để ý không, người hướng nội luôn xây dựng cho mình một thế giới riêng trong tâm trí. Ở đó, họ thỏa sức suy ngẫm, đưa ra những ý tưởng điên rồ, mơ mộng…
Trong bài báo “Why marketing needs more introverts?” trên HBR, tác giả Eddie Yoon đề cập đến ba lý do tại sao ngành marketing cần người hướng nội. Mình sẽ dịch bài này sau vì nếu đưa hết nội dung vào bài viết này thì sẽ quá dài. Dưới đây là đoạn trích với luận điểm chính của tác giả:
“Nếu phải đặt cược, tôi tin rằng những marketer giỏi nhất trong tương lai sẽ có xu hướng hướng nội nhiều hơn so với hiện nay. Tôi thậm chí cho rằng marketing cần nhiều người hướng nội hơn—những người dành nhiều thời gian lắng nghe hơn nói, suy ngẫm sâu sắc về ý nghĩa, và xây dựng ít nhưng sâu sắc hơn các mối quan hệ.”
(Những người dành nhiều thời gian lắng nghe hơn là nói, suy ngẫm nhiều hơn và xây dựng các mối quan hệ chất lượng, sâu sắc hơn.)
Ngoài việc mở rộng vùng an toàn và duy trì thế mạnh, chúng mình cũng cần nhận diện và khắc phục những điểm yếu. Đối với một người hướng nội, điểm yếu lớn nhất có lẽ là sự tự ti.
Mình muốn làm nhiều việc nhưng lại hay suy nghĩ quá nhiều. Mình sợ hãi khi phải làm điều gì đó mới mà không thể dự đoán kết quả. “Liệu mình có làm được không?” Ví dụ như mình muốn tham gia một nhóm thảo luận sôi nổi nhưng không biết bắt đầu thế nào, mình thấy bạn buồn, muốn hỏi thăm nhưng lại ngại, muốn xin lỗi người yêu vì đã làm anh buồn nhưng lại không gửi nổi tin nhắn, ghét các buổi tiệc tùng công ty vì cảm thấy lạc lõng và mất năng lượng khi đứng một mình.
Sau này, mình đã học cách chấp nhận sự nhút nhát và xấu hổ của mình thay vì cố gắng chống lại. Mình dám can đảm bày tỏ cảm xúc với người khác. “Tớ rất muốn an ủi cậu nhưng lại thấy khó mở lời”, “Em muốn xin lỗi anh nhưng suy nghĩ quá nhiều nên chần chừ”... Việc thổ lộ đã giúp mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn và giúp đối phương hiểu được những gì mình đang nghĩ. Đôi khi, mình chọn cách im lặng, coi đó là sự thấu hiểu và lắng nghe mà mình dành cho người ấy trong khoảnh khắc đó.