Thứ ba: Mình học được cách không quan tâm đến ý kiến của người khác
Khi mình quyết định gap year, mình phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích và bàn tán từ người thân, bạn bè và cả những người mình không quen biết.
Mình phải đối mặt với nhiều lời chê bai, so sánh và gièm pha. Tuy nhiên, mình nhận ra rằng những lời nói đó chỉ là thoáng qua và không thực sự ảnh hưởng đến họ. Họ chỉ đưa ra những nhận xét dựa trên bề nổi và nhanh chóng quên đi.
Ngoại trừ ba mẹ, những người thực sự quan tâm đến bạn vì muốn tốt cho bạn, những người khác chỉ quan tâm vì lợi ích của chính họ. Họ so sánh để xem họ hơn bạn ở điểm nào. Mình hiểu rằng chúng ta chỉ là nhân vật chính trong cuộc đời của mình, còn với nhiều người khác, bạn chỉ là một nhân vật phụ không tên tuổi.
Vì vậy, đừng quá bận tâm đến ý kiến của người khác mà hãy tập trung vào cuộc sống của chính mình.
Thứ tư: Mình đã rèn luyện được tính kỷ luật
Một lợi ích lớn của việc gap year là chúng ta có khoảng thời gian tự do, không phải đến trường hay tuân thủ những nghĩa vụ lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, vì nếu không biết cách sắp xếp và tận dụng, thời gian rỗi sẽ bị lãng phí.
Ban đầu, mình thực sự 'buông lơi', để bản thân sống qua ngày mà không bận tâm đến kỷ luật. Kết quả là thời gian trôi qua rất lãng phí.
Nhận ra vấn đề, mình bắt đầu tìm giải pháp. Mình không ép bản thân phải bắt đầu một cách vội vã và cứng nhắc. Thay vì đặt quá nhiều việc cần làm trong một ngày, mình chọn một số ít và tập trung vào chúng.
Mình tin vào Hiệu ứng Tích lũy, tức là lặp đi lặp lại những hành động nhỏ mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả lớn sau này. Mình thay đổi thói quen hàng ngày, giảm bớt những việc tốn thời gian và đầu tư vào những việc mang lại giá trị cao hơn cho bản thân.
Mỗi ngày, mình giảm thời gian dùng mạng xã hội, tăng thời gian đọc sách và viết lách. Mình dành thời gian học các kỹ năng mới và ngoại ngữ. Dần dần, mình quen với chu trình mà mình đã đặt ra.
Mình nghĩ khó nhất không phải là duy trì các hành động mà là giai đoạn trước khi bắt đầu. Chúng ta thường suy nghĩ quá nhiều, tính toán rủi ro, chi phí và lo sợ không thực hiện được, để rồi lãng phí thời gian. Hãy bớt suy nghĩ và bắt đầu hành động ngay hôm nay.
Trước đây mình luôn nghĩ kỷ luật là một thứ cứng nhắc, nhàm chán. Nhưng khi đã đạt đến mức kỷ luật nhất định, mình nhận ra rằng kỷ luật giúp ta đạt được sự tự do, cho phép ta lựa chọn và quyết định mọi việc trong cuộc sống một cách thoải mái.
Giờ đây mình đã có thể tránh tình trạng đắm chìm vào mạng xã hội. Mình không còn phải khóa tài khoản hay xóa ứng dụng để cách ly khỏi Facebook, Instagram. Dù có mở ứng dụng, mình cũng không còn mong muốn dùng chúng quá lâu nữa.
Hiện tại mình vẫn chưa hoàn toàn chinh phục được căn bệnh trì hoãn. Mình thừa nhận vẫn còn nhiều lúc để bản thân quá đà, nhưng ít ra mình biết đâu là giới hạn, biết cách điều khiển phanh để không lao dốc mù quáng.
Thứ năm: Mình đã học được cách làm bạn với 'cô đơn'
Mình nghĩ ai cũng từng trải qua cảm giác cô đơn. Bạn có thể cảm thấy cô đơn khi ở một mình, hoặc ngay cả khi đang trong một mối quan hệ. 'Cô đơn' là khi ta không thể chia sẻ, kết nối với bất kỳ ai dù trong thâm tâm rất khao khát điều đó.
Trước đây mình rất sợ và không dám thừa nhận cảm giác cô đơn. Mình luôn cho rằng cô đơn là trạng thái tiêu cực và muốn tránh xa nó. Nhưng mình nhận ra rằng không phải lúc nào cũng tránh được. Khi mình bắt đầu gap year, 'vị khách không mời' này đã đến.
Vị khách ấy khiến mình buồn, chán nản và tủi thân. Mình cố xua đuổi bằng những lời phủ nhận cay nghiệt 'hãy đi đi, đừng đến gần tôi'. Mình bám víu vào phim ảnh và video giải trí, nhưng những phương pháp này chỉ hiệu quả ban đầu. Về sau, khi sự quấy nhiễu tăng lên, cảm xúc và năng lượng của mình giảm sút, mình không thể tập trung vào bất cứ điều gì.
Mình đã tìm hiểu nhiều cách chống chọi với cô đơn, nhưng hầu hết đều khuyên nên chiến đấu trực tiếp và tiêu diệt nó. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả với mình. Thay vào đó, mình chọn làm bạn với cô đơn.
Mình học cách thừa nhận sự tồn tại của cô đơn. Thay vì đối đầu trực tiếp, mình biến nó thành bạn, một người bên cạnh mà mình có thể kiểm soát và dần thuần hóa. Đối đầu trực tiếp rất mất sức và dễ làm bản thân bị thương. Mình không phủ nhận cô đơn, mình nói với nó rằng 'cứ ở đó, tao sẽ buồn một chút, nhưng không để mày ảnh hưởng đến công việc của tao'.
Cách này thực sự hiệu quả với mình. Giờ đây, mình không còn bị cô đơn lấn át như trước. Nhưng nếu có ai hỏi liệu mình còn cô đơn không, mình sẽ trả lời 'có, thỉnh thoảng nó vẫn ghé thăm'. Mình biết rằng trong lòng vẫn tồn tại cảm giác trống rỗng, nhưng mình đã quen và không để nó ảnh hưởng nhiều. Cô đơn và mình như quan hệ chủ nhà và khách trọ, cho phép nó ở đây nhưng không được quấy rầy công việc của mình. Chúng mình có thể làm bạn nhưng không thân thiết, vì thân quá sẽ nguy hiểm.
Hết phần 2
Cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình từ các bạn độc giả. Hãy cùng chờ đón phần 3 (phần cuối) nhé!