Bạn có thể đọc phần 1 của bài viết tại đây: https://MyBook/idy65vrfe03wtj
3. Chưa viết tốt vì chưa thực sự viết về thứ mình đam mê
Nguồn ảnh: Pinterest
Có người nuôi dạy con tốt, nghiên cứu nhiều phương pháp giáo dục và trở thành hotmom, chuyên viết bài chia sẻ về nuôi dạy con, viết PR, review sản phẩm rất hay. Có người đam mê thời trang, tìm hiểu sâu về lĩnh vực này và trở thành blogger thời trang. Có người đọc nhiều sách về tâm lý, viết bài sâu sắc như chuyên gia tâm lý. Có người trải qua 10-15 năm trong nghề, trở thành bậc thầy về content…
Dù không được đào tạo chính quy về viết lách, họ vẫn viết tốt nhờ đam mê lĩnh vực mình yêu thích, viết từ kinh nghiệm tích lũy. Nhờ vậy, bài viết của họ luôn giàu cảm xúc, thực tế và sâu sắc. Việc “sống đủ lâu” trong lĩnh vực đó chính là chìa khóa giúp bài viết của họ nổi bật, chứ không phải do họ học ở đâu hay được đào tạo thế nào. Tuy nhiên, những công thức viết lách họ chia sẻ sẽ vô ích nếu bạn không tích lũy kiến thức trong lĩnh vực đó.
Nếu ai đó nói mình viết hay và nhờ mình review phim, kết quả sẽ không thể “chất” bằng một bạn đã có 5 năm nghiền ngẫm phim ảnh. Tương tự, nếu mình viết hay về tình yêu nhưng phải viết về bất động sản, mình sẽ không thể viết tốt bằng một tay sales chuyên nghiệp. Kỹ thuật viết không phải là chìa khóa vạn năng. Hãy tìm một lĩnh vực và thực sự sống với nó, bạn sẽ viết xuất sắc.
Để tìm ra lĩnh vực viết yêu thích, không có cách nào khác là thử viết nhiều (hoặc đọc nhiều cho đến khi tìm thấy điều gì đó thôi thúc từ bên trong) rồi bạn sẽ tìm thấy nó.
Ví dụ, từ những bài viết để thấu hiểu bản thân trong lớp Viết cho chính mình – viết về trải nghiệm, cảm xúc, suy ngẫm – một bạn đã phát hiện ra thế mạnh về phát triển bản thân. Mình gợi ý bạn viết blog chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống sinh viên của bạn. Càng viết, bạn càng giỏi hơn trong các chủ đề như đạt học bổng, chuyển trường, học tiếng Anh, và việc làm thêm…
Tất nhiên, có những người vẫn chưa tìm ra ngách viết của mình. Mình gợi ý hãy viết nhiều hơn những bài viết dành cho chính mình, có thể là viết morning pages hay theo các chủ đề được gợi ý.
Mình tin rằng cứ viết tự do như thế, ý tưởng và niềm yêu thích sẽ xuất hiện. Mình không biết bao lâu, nhưng chắc chắn lĩnh vực viết yêu thích của bạn đang chờ bạn khám phá. Bạn chỉ cần viết, dần dần bạn sẽ tìm ra nó.
Ví dụ như bản thân mình, mình từng viết nhật ký rất nhiều, trải qua nhiều lĩnh vực như nội thất, giáo dục, bất động sản, nấu ăn, tình yêu - hôn nhân… và cuối cùng, mình dừng lại ở hôn nhân. Càng viết về hôn nhân, mình lại tìm thấy một ngách nhỏ hơn là viết về phụ nữ và những nỗi đau tình cảm, cách họ vượt qua để sống an yên. Viết nhiều về những chủ đề này, mình lại tiếp tục khám phá ngách nhỏ hơn nữa là thấu hiểu bản thân và chữa lành.
Cách đây 10 năm, khi còn là một “tay ngang” mới bước vào viết lách, mình từng dằn vặt và hoang mang rất nhiều, chưa bao giờ nghĩ cụ thể về những gì mình đang viết bây giờ. Khi đó, mình chỉ có một ước mơ lờ mờ là ngồi bên ô cửa sổ và viết thỏa sức. Nhưng cuối cùng, tất cả những thử và sai lầm, bế tắc và nuối tiếc… cộng lại thành hình ảnh mình hiện tại - vừa khít với ước mơ ấy. Nó không còn lờ mờ mà đã rõ ràng, bởi mình đã nghĩ và đi theo nó.
Có lẽ bạn sẽ thấy buồn cười khi trong một bài nói về lộ trình học viết mà mình lại viết dài dòng thế này. Nhưng dài dòng bởi mình muốn nói rõ rằng việc học viết của chúng ta đã bắt đầu từ năm 6 tuổi rồi (có người còn sớm hơn). Chúng ta biết viết và nói, từng học môn tập làm văn từ Tiểu học (biết mỗi bài gồm 3 phần: mở bài – thân bài – kết luận) nên ai cũng có đủ khả năng và vốn từ để viết được. Lộ trình học viết bây giờ là… chẳng có lộ trình nào cả.
Không có công thức nào áp dụng được cho tất cả mọi người. Nếu được chia sẻ một bí quyết, một công thức, bạn chỉ cần biết rằng nó tồn tại và bạn phải tự chứng minh được nó. Nếu không ai đưa cho bạn, cũng đến ngày bạn tự đúc rút ra và (có thể) chia sẻ với người khác.
Nhớ rằng người thành công nói gì cũng đúng. Nhưng đó là bởi bạn chỉ nhìn vào thành công của họ, tin rằng ai áp dụng như thế cũng sẽ thành công. Thực tế lại xám xịt hơn nhiều. Bạn sẽ không biết được bao nhiêu người đã thất bại và tự ti, chỉ trích bản thân vì không áp dụng được công thức của người khác – điều rất dễ hiểu.
Trở lại với câu hỏi mình hỏi Hương: “Vậy em có tài chính để đầu tư cho việc học không?”. Khi Hương trả lời: “Em không. Em vừa sinh bé được 1 tháng và đang khó khăn”, mình đã nói: “Vậy em chưa nên học vội”. Mình khuyên em hãy tìm một công việc viết lách để rèn luyện kỹ năng từ chính công việc ấy. Ngoài ra, trong thời gian này, em có thể viết tự do và tự biên tập những bài viết của mình để rèn luyện kỹ năng viết.
Em bị chê là lan man, bài viết không sâu sắc chỉ vì em mới bắt đầu viết thôi. Kỹ năng viết SEO của em đã rất tốt chỉ sau 1 năm học và làm việc (từ “tay ngang”). Vậy khi em viết về ngách khác, hãy dành ít nhất 1 năm rồi mới so sánh, nhìn lại. (Với điều kiện em ưu tiên và coi viết lách là một phần quan trọng trong cuộc sống). Nếu chưa xác định được ngách viết nào thì cứ viết tự do, đừng áp lực, nhất là khi em vừa sinh con. Đừng nghĩ phải học để viết hay ngay, như vậy sẽ khiến em thất vọng về khóa học, tự chỉ trích bản thân và bế tắc về tương lai hơn thôi.
Nguồn ảnh: Pinterest
Cuối cùng, mình muốn nói là hãy tự tạo ra lộ trình học viết theo kiểu của bạn. Rất có thể bạn sẽ đi qua các cột mốc này:
Nhận định rằng mình có thể viết được dù là “tay ngang”.
Xác định tâm thế rèn luyện kỹ năng viết qua công việc viết lách (hoặc viết tự do để tìm ngách yêu thích).
Làm giàu thế giới viết (đọc, xem, quan sát, suy ngẫm, nghiên cứu về công việc/ngách viết yêu thích).
Viết và tự biên tập bài viết (tìm lỗi để sửa, điều chỉnh dần).
Trở thành người có kinh nghiệm và tự tin viết tốt (trong 1 hoặc 2 lĩnh vực cụ thể).
Ở cột mốc số (4), bạn nên nhờ người khác đọc bài của bạn (chia sẻ với bạn bè, trong các group để kết nối, học hỏi). Nếu có tài chính, bạn có thể tìm một khóa học (để cảm thấy an tâm vì đã “được học”). Hãy thông minh khi chọn người dẫn đường kinh nghiệm và tạo cảm giác thôi thúc. Nếu tài chính eo hẹp, mình nghĩ group La Storyteller này giống như lớp học viết để bạn tự chọn chủ đề, chia sẻ và góp ý, nuôi dưỡng sự tiến bộ.
Cột mốc số (5) sẽ đến một cách tự nhiên như thể chúng ta đã trở thành “người có tuổi” lúc nào không hay. Vậy nên cứ viết đi, đừng lo lắng về lộ trình hay tìm kiếm kiến thức tổng quát bên ngoài. Cứ viết nhiều (với cảm xúc thích thú, vui vẻ xen lẫn hoang mang, lo lắng, bế tắc…) thì cuối cùng bạn cũng sẽ trở thành người viết có kinh nghiệm thôi.