Trong thời gian học các môn kỳ 2, mình tự hỏi: Liệu có thể nào một người chưa từng có kinh nghiệm sư phạm lại làm quản lý giáo dục không?
Hầu hết các bạn học cùng mình, từ người mới ra trường đến người đã có 20 năm kinh nghiệm, đều có bằng cấp liên quan đến việc giảng dạy. Còn mình, học quan hệ quốc tế và chuyển sang lĩnh vực giáo dục, chưa từng dạy một kỹ năng nào quá 5 buổi, thấy việc này không dễ dàng dù khả thi. Nó giống như học quản trị kinh doanh nhưng chưa làm sếp ngay, bạn cần làm nhiều việc khác để leo lên vị trí đó, hoặc ít nhất là đủ kỹ năng và kiến thức để làm sếp. Học kỳ 2 với nhiều môn chuyên ngành về Lãnh đạo và Quản lý Giáo dục cho mình nhiều trải nghiệm thú vị.
1. Môn được làm 'thầy giáo': Tư Duy Phản Biện và Chương Trình Học
Ban đầu mình không chọn môn này vì nó thuộc chuyên ngành khác. Tuy nhiên, do một môn khác bị trùng lịch nên mình phải đổi và chọn môn này. Lúc đăng ký mình khá tò mò và hơi sợ vì chưa có kinh nghiệm sư phạm và chưa học về việc lên giáo trình bài bản.
Môn này tưởng không hay mà lại hay không tưởng. Ngay từ 15 phút đầu tiên của bài giảng, thầy đã demo nhiều phương pháp điều phối rất hay: cách chia nhóm và networking ngẫu nhiên, cách thu hút sự tập trung của sinh viên, kích thích sinh viên đưa ra ý kiến (di chuyển khỏi chỗ ngồi, môi trường ngang tầm mắt, cấu trúc câu hỏi,…). Sau đó yêu cầu chúng mình review quá trình, điểm mạnh điểm yếu để cải thiện và xem hoạt động này phù hợp trong hoàn cảnh nào. Vì là môn về Tư duy phản biện, thầy cũng demo các câu hỏi “triết học” qua tư liệu thảo luận (hình ảnh, âm thanh, giáo cụ,…) và các câu chuyện. Qua đó, chúng mình phải tư duy, đặt câu hỏi (tự do và có hướng dẫn khi thực hành Question quadrant), cách setup một buổi học về Tư duy phản biện. Mình vẫn nhớ ở buổi 2, khi thầy chiếu bức ảnh tượng đá của Socrates và Khổng Tử và yêu cầu thảo luận nhóm đưa ra câu hỏi thú vị nhất, lớp mình đã có mấy câu như: Tại sao không có nhân vật nữ ở đây? Nếu hai người đánh cờ với nhau thì ai sẽ thắng? Con người được tạo ra bằng gì (What are men made of – chơi chữ cho chất liệu và cũng là câu hỏi triết học).
Môn học cho thấy tầm quan trọng của việc dạy và học Tư duy phản biện, phương pháp giảng dạy và gợi ý một số hoạt động để tích hợp chúng vào chương trình học. Tóm lại, Tư duy phản biện nên được tích hợp vào các môn học liên ngành. Việc tạo ra môi trường phù hợp cho Tư duy phản biện giúp học sinh vận dụng kiến thức tốt hơn, ghi nhớ lâu hơn và phát triển kỹ năng phản biện. Tranh biện trong quá trình học Tư duy phản biện có thể không dẫn đến kết quả đồng thuận nhưng quá trình tiến bộ trong nhận thức vẫn là mục tiêu quan trọng của hoạt động này.
Ảnh: các nhóm trong môn Tư duy phản biện và Chương trình học thảo luận và sắp xếp bảng điểm dựa trên các tiêu chí đã cho.
Là một người chưa từng dạy chính thức (mình có hoạt động về viết tư duy phản biện và sáng tạo nhưng chưa có bài báo nào khẳng định hiệu quả hehe) và chưa từng xây dựng giáo trình bài bản, việc làm bài tập cho môn này không hề dễ dàng. Dù sao, nó cũng cho mình cơ hội được “làm thầy”, xây dựng giáo trình, phân tích cách tạo bảng điểm phù hợp và nhận ra tầm quan trọng của việc dạy và học tư duy phản biện.
2. Môn được làm nhà Tư vấn cứu trường: Hiệu quả và Cải tiến Trường học.
Đây là môn bắt buộc và cũng là môn đầu tiên mình học trong chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý. Điều đáng chú ý là các môn trong ngành này có sự tham gia của nhiều bạn nước ngoài và đã có kinh nghiệm làm việc. Điều này thực sự cần thiết vì học kỳ 1 vừa qua mình học với quá nhiều bạn Trung Quốc (>90% sinh viên trong lớp là người Trung Quốc và đa số vừa học xong cử nhân) nên các câu chuyện không quá khác biệt.
Môn này có nội dung rất hay và nhiều tài liệu thú vị, tổng hợp các nghiên cứu và bài phỏng vấn của nhiều lãnh đạo giáo dục, nhưng thầy dạy hơi buồn ngủ... Thầy cũng lớn tuổi nên thường ngồi một chỗ và giọng nói đều đều. Vì vậy, mình bị mất tập trung khá nhiều.
Môn học cung cấp các mô hình, bảng biểu và câu hỏi để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo. Chúng mình cũng tham gia thảo luận nhóm để so sánh và xem xét các vấn đề. Vì trong lớp có nhiều bạn đã đi làm nên có những chia sẻ thực tế hơn và góc nhìn rất thú vị.
Nguồn ảnh: Pinterest
Môn này chỉ có một bài tập duy nhất là đánh giá một trong ba trường được cung cấp thông tin (có thật), phân tích dựa trên các báo cáo và đưa ra kế hoạch giải quyết vấn đề của trường. Các trường này đều có những vấn đề riêng: điểm thi thấp, học sinh nghỉ học quá nhiều, học sinh không cảm thấy vui khi đi học,… và cần có phương án giải quyết. Đáng tiếc là chúng mình không có cơ hội làm việc trực tiếp với Hiệu trưởng hoặc đại diện trường (bạn mình bên Mỹ được làm việc trực tiếp) nên không có nhiều thông tin ngoài những báo cáo được công bố. Dù sao thì chúng mình cũng chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện như vậy nên bài tập này mình thấy là hợp lý. Trong quá trình làm, mình phát hiện ngôi trường mà mình chọn có nhiều thông tin xung đột (ví dụ tỉ lệ hài lòng giữa phụ huynh và giáo viên chênh lệch lớn hoặc các khảo sát về nền tảng kinh tế và trình độ tri thức của phụ huynh trái ngược nhau), khiến việc đưa ra phương án cải thiện khá khó.
Tạm thời là vậy, kỳ học này giúp mình có thêm nhiều bài học và trải nghiệm thú vị. Mình theo học ngành này vì thấy Việt Nam đang mở nhiều trường quốc tế/tư thục và cần nguồn lực đủ lớn để vận hành chúng, nhưng trong quá trình học ở Úc mình lại được học nhiều hơn về quản trị vận hành. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều cơ hội để mình áp dụng những kiến thức đã học.