Nhiều người có lẽ nhớ lại cảm giác bỡ ngỡ khi mới bắt đầu công việc trong ngành logistics. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính toán kỹ lưỡng và độ chính xác cao để có thể thực hiện việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như các nghiệp vụ liên quan đến kho bãi và giao nhận.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm lần đầu làm việc trong ngành logistics, từ việc chuẩn bị chứng từ, container, đến điều phối phương tiện vận chuyển,…
1. Cách chọn phương tiện vận chuyển hàng hóa trong ngành logistics
Ngành logistics
Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên tham khảo từ những người kinh doanh cùng mặt hàng để học hỏi kinh nghiệm của họ trong ngành logistics. Hoặc bạn có thể nghiên cứu về kích thước và cách tính toán số lượng hàng hóa đóng vào container để có thể ước tính sơ bộ khi không có người quen đi trước để tham khảo về lô hàng của bạn.
+ Tùy theo loại hàng hóa bạn xuất khẩu mà chọn loại container phù hợp.
+ Một số sản phẩm đặc thù như hàng có mùi, hàng dễ ẩm thấp gây hư hại, thường không được các hãng tàu nhận hoặc nếu có thì chi phí sẽ cao hơn.
+ Bạn cần nắm rõ các thông số kỹ thuật của các loại container để chọn loại phù hợp với khối lượng và trọng lượng hàng hóa.
2. Sử dụng đúng loại CTU (Cargo Transport Unit)
CTU là đơn vị vận chuyển hàng, chẳng hạn như container. Đối với hàng đóng trong container, bạn nên chọn đúng loại CTU để đạt hiệu quả kinh tế, vì một container có nhiều chi phí liên quan như: phí cước tàu, phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng), phí DEM/DET (phí lưu container tại kho riêng của khách/phí lưu bãi của cảng)… Tính toán đúng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể.
Container được thiết kế để vận chuyển hàng nặng hơn là hàng cồng kềnh. Cont 20ft thường dùng để đóng các loại hàng như: đá, kim loại, giấy, xi măng, thép,… (những hàng có trọng lượng lớn nhưng chiếm ít thể tích).
Container 40ft thường được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, trọng lượng nhẹ, như: đồ nội thất, hàng vải dệt, ống thép,…
Về tình trạng CTU
Tình trạng của CTU rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của hàng hóa khi vận chuyển.
Nếu container bạn dự định sử dụng không đạt tiêu chuẩn, bạn có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro như mất hàng, hư hỏng hàng hóa,…
Một trong những vấn đề thường xuyên gây tranh cãi giữa nhà xuất khẩu và hãng tàu là tình trạng container khi nhà xuất khẩu bắt đầu đóng hàng.
Các hãng tàu cần cung cấp container sạch sẽ, khô ráo, không bị hở từ depot đến nhà xuất khẩu hoặc forwarder. Depot phải tuân thủ theo hướng dẫn của các hãng tàu.
Người xuất khẩu có nhiệm vụ kiểm tra kỹ container nhận từ hãng tàu ở các hạng mục cơ bản sau:
+ Container rỗng phải khô ráo, sạch sẽ, không có mùi hôi.
+ Cửa container phải đóng chặt, không có lỗ hở.
+ Container phải có chỗ để khóa seal.
+ Sàn container không bị nứt hoặc vỡ.
Sử dụng đúng loại container theo hãng tàu đã đặt booking
Đây là vấn đề lớn mà nhiều nhà xuất khẩu thường gặp phải. Khi bạn xuất một lượng hàng lớn, thỉnh thoảng phải đóng 20-30 container mỗi ngày đến nhiều cảng khác nhau và bạn đặt booking của nhiều hãng tàu khác nhau. Lúc đó, bạn có thể gặp tình huống lấy container của hãng này nhưng dùng booking của hãng khác. Ví dụ: đóng hàng vào container của ZIM để xuất sang Mỹ nhưng lại dùng booking của CMA, trong khi booking của ZIM lại đi Trung Quốc.
Lý do nhầm lẫn nữa là nhiều hãng tàu sử dụng cùng một công ty sản xuất container, khiến các đầu container giống nhau, làm người quản lý đóng hàng dễ nhầm lẫn và dùng sai container.
3. Chứng từ hàng xuất khẩu khi làm việc trong ngành logistics
Một trong những vấn đề quan trọng trong ngành logistics, trong quy trình xuất hàng mà bạn cần hết sức lưu ý là chứng từ liên quan đến lô hàng bạn đóng và xuất đi.
Trước khi xuất hàng, bạn nên kiểm tra cẩn thận các thông tin sau:
+ Hàng hóa của bạn có cần xin giấy phép khi vận chuyển không? Liệu hàng có được dỡ ở cảng đến?
+ Hàng của bạn có phải là hàng nguy hiểm không? Có cần xin giấy phép đặc biệt hay tài liệu MSDS không?
+ Packing list của bạn đã chính xác chưa? Khối lượng có khớp với thực tế không?
+ Nếu bạn xuất hàng quá khổ (OOG), hãy đảm bảo rằng bạn có giấy phép xuất khẩu.
+ Bạn cần đảm bảo chứng từ đầy đủ và chính xác cho mỗi lô hàng xuất khẩu, vì sai sót có thể gây tốn kém chi phí khi phải làm lại.
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho những ai mới bắt đầu làm trong ngành logistics.