Zenbook S16 là một trong những chiếc laptop màn hình 16 inch có trọng lượng nhẹ nhất trên thị trường hiện nay.
Dòng laptop AI của ASUS đang không ngừng mở rộng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người dùng tại Việt Nam. Nếu Zenbook A14 với chip Snapdragon X từng gây ấn tượng nhờ thiết kế siêu nhẹ và thời lượng pin dài, hay Zenbook 14 (UM3406) với chip AMD Ryzen AI 300 series đem lại sự cân bằng giữa hiệu năng và khả năng tương thích, thì Zenbook S16 (UM5606) là thành viên mới nhất trong hệ sinh thái laptop AI của ASUS tại Việt Nam.

Zenbook S16 nhắm đến những người dùng cần một chiếc laptop màn hình lớn cho công việc đồ họa, đa nhiệm hay giải trí, nhưng vẫn yêu cầu tính di động và mỏng nhẹ. Khi ASUS giới thiệu mẫu laptop này, tôi đã rất tò mò: Liệu Zenbook S16 có thể giữ được độ mỏng nhẹ và tính tiện dụng trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng mạnh mẽ với chip AMD Ryzen AI mới? Và khi có cơ hội trải nghiệm, tôi đã có câu trả lời.
Laptop màn hình 16-inch nhẹ nhất hiện nay
Ngay khi cầm trên tay, tôi thực sự bất ngờ với trọng lượng của Zenbook S16. Một chiếc laptop màn hình 16 inch nhưng chỉ nặng 1,5 kg và mỏng 1,19 cm. Với kích thước này, tôi có thể dễ dàng bỏ vào balo mà không cảm thấy nặng nề hay cồng kềnh. So với những mẫu laptop màn hình lớn khác mà tôi từng dùng, Zenbook S16 rõ ràng nhẹ hơn hẳn, đặc biệt là khi các laptop 16 inch thường có trọng lượng trên dưới 2 kg.


ASUS đã đạt được sự mỏng nhẹ này nhờ vào việc sử dụng Ceraluminum — vật liệu gốm nhôm độc quyền của hãng. Ceraluminum là sự kết hợp giữa nhôm và gốm, nhẹ hơn 30% so với nhôm thông thường nhưng lại cứng gấp ba lần. Khi cầm máy, tôi cảm nhận được sự chắc chắn từ khung máy — không có hiện tượng uốn cong hay ọp ẹp dù tôi thử ấn lực lên bàn phím và bề mặt touchpad.

Không chỉ gây ấn tượng bởi trọng lượng nhẹ và độ mỏng ấn tượng, tôi phải thừa nhận rằng ASUS Zenbook S16 là một chiếc laptop thực sự "điển trai". ASUS đã rất thành công khi tạo ra một thiết kế vừa đơn giản lại vừa toát lên vẻ đẹp thanh thoát, đẳng cấp và sang trọng.

Mặt ngoài của máy được hoàn thiện với lớp phủ mịn, nổi bật là logo chữ "A" ánh vàng tinh tế ở chính giữa. Còn mặt trong của máy lại ấn tượng bởi màn hình với viền siêu mỏng, tỷ lệ màn hình/thân máy đạt tới 90%.

Phía trên bàn phím, ASUS thiết kế một dải lỗ nhỏ trải dài theo chiều ngang. Ban đầu tôi tưởng đây là phần loa, nhưng thực tế đây lại là dải lỗ phục vụ mục đích tản nhiệt. Mỗi lỗ nhỏ được CNC tỉ mỉ, mang lại một vẻ ngoài "high tech" cho Zenbook S16, và tôi tin rằng nam giới – đối tượng chính của dòng máy này, sẽ rất ấn tượng.

Touchpad trên Zenbook S16 cũng là một điểm đáng khen. Nó cực kỳ lớn – tôi nghĩ đây là một trong những touchpad lớn nhất mà tôi từng dùng trên một chiếc laptop. Kích thước rộng rãi không chỉ giúp tôi thao tác thoải mái hơn mà còn giúp các cử chỉ vuốt đa điểm (multi-touch) trở nên dễ dàng và chính xác hơn.

Cổng kết nối đầy đủ, chỉ tiếc cổng USB-C hơi bất tiện về vị trí
Zenbook S16 được trang bị đầy đủ các cổng kết nối, nhất là khi so với nhiều mẫu ultrabook mỏng nhẹ khác trên thị trường. Máy có hai cổng USB-C 4.0 hỗ trợ Power Delivery và DisplayPort, giúp người dùng vừa sạc máy vừa xuất hình ảnh ra màn hình ngoài với độ phân giải cao. Thêm vào đó, máy còn có một cổng HDMI thuận tiện để kết nối với thiết bị trình chiếu, một cổng USB-A để sử dụng với các thiết bị ngoại vi cũ như chuột hoặc USB mà không cần đầu chuyển, và một khe thẻ nhớ SD full-size.

Tuy nhiên, một điểm trừ nhỏ là vị trí của các cổng USB-C. Cả hai cổng này đều nằm ở phía bên trái máy, nghĩa là khi sạc, dây cáp sẽ phải kéo về một bên, gây chút bất tiện, đặc biệt khi không gian làm việc hạn chế. Nếu ASUS bố trí ít nhất một cổng USB-C ở phía bên phải, trải nghiệm sạc và kết nối thiết bị sẽ linh hoạt và tiện lợi hơn rất nhiều.

Màn hình Lumina OLED 16-inch rộng rãi, chuẩn màu, nhưng có một số điều cần lưu ý
Màn hình 16 inch mang lại sự khác biệt rõ rệt trong quá trình làm việc. Không gian hiển thị rộng rãi giúp tôi có thể mở nhiều cửa sổ cùng lúc, chỉnh sửa bảng tính hoặc xử lý ảnh dễ dàng hơn. Tôi không còn cảm giác thiếu không gian khi phải sắp xếp các tab trình duyệt hay các layer trong Photoshop. Tỷ lệ màn hình 16:10 giúp hiển thị nhiều nội dung mà không bị cắt xén, đặc biệt khi lướt web, làm việc với các file Excel, hay đọc tài liệu dài.

Màn hình của Zenbook S16 sử dụng công nghệ Lumina OLED – một công nghệ được ASUS phát triển từ nền tảng OLED, nhưng được tinh chỉnh để tối ưu cho người dùng laptop.

Nhờ vào khả năng tự phát sáng của từng điểm ảnh, Lumina OLED có thể tái tạo màu đen cực kỳ sâu và mang lại độ tương phản rất cao. Ngoài ra, Lumina OLED trên Zenbook S16 còn đạt chuẩn 100% dải màu DCI-P3, đảm bảo độ chính xác màu sắc cực kỳ cao và được chứng nhận Pantone Validated – tiêu chuẩn màu chuyên nghiệp mà các nhà thiết kế đồ họa và nhiếp ảnh gia luôn tìm kiếm.
Máy hỗ trợ tần số quét 120Hz, giúp các thao tác cuộn trang hay chỉnh sửa đồ họa trở nên mượt mà hơn hẳn. Tuy nhiên, theo mặc định, màn hình này chỉ hoạt động ở 60Hz khi sử dụng pin. Để duy trì tần số quét 120Hz, người dùng cần phải cắm sạc hoặc vào ứng dụng MyASUS để kích hoạt chế độ 120Hz liên tục. Đây là một lựa chọn phù hợp với những ai sẵn sàng hy sinh một chút thời gian sử dụng pin để có trải nghiệm mượt mà hơn, đồng thời cũng cho phép người dùng tuỳ chỉnh theo nhu cầu thực tế.

Độ phân giải 3K (2880 x 1800) là một điểm cộng lớn, giúp mọi nội dung hiển thị sắc nét và chi tiết hơn. Tôi đặc biệt ưa thích tính năng giảm ánh sáng xanh của màn hình, giúp tôi giảm bớt tình trạng mỏi mắt khi làm việc lâu. Tôi thường xuyên làm việc vào ban đêm, và việc không bị đau mắt hay mỏi mắt sau vài giờ làm việc là một điểm cộng lớn.
Tuy nhiên, màn hình của Zenbook S16 cũng có một số điểm mà người dùng cần lưu ý. Đầu tiên, ASUS sử dụng màn hình gương thay vì màn nhám. Màn gương mang lại vẻ đẹp sang trọng, giúp hình ảnh hiển thị sắc nét hơn, như thể điểm ảnh đang hiện lên ngay trước mắt bạn. Tuy nhiên, nhược điểm của màn gương là dễ phản chiếu ánh sáng mạnh từ phía sau, ví dụ như ánh đèn hoặc ánh sáng từ cửa sổ. Trong những tình huống như vậy, người dùng có thể cảm thấy hơi khó chịu vì hiện tượng chói và lóa màn hình.
Bên cạnh đó, màn hình có độ sáng tối đa khoảng 400 nits, đủ để sử dụng trong các môi trường làm việc trong nhà hay văn phòng. Tuy nhiên, nếu làm việc trong môi trường có ánh sáng mạnh như studio chụp ảnh, độ sáng này có thể không đủ. Nếu đạt khoảng 500 nits, màn hình sẽ hoàn hảo hơn, đặc biệt với những ai làm việc thường xuyên trong điều kiện ánh sáng phức tạp.
Chip Ryzen 7 AI 350 hiệu năng mạnh mẽ, nhưng cần cắm sạc để đạt được hiệu suất tối ưu
Zenbook S16 (UM5606) được trang bị chip AMD Ryzen 7 AI 350 với GPU Radeon 860M tích hợp. Đây là con chip tôi đã từng thử trên Zenbook 14 (UM3406), và nó nằm trong nhóm chip mạnh nhất của phân khúc ultrabook hiện nay. Phiên bản thử nghiệm của Zenbook S16 có 24GB RAM LPDDR5X và SSD 1TB NVMe Gen4 (Micron 2400). Máy hỗ trợ nâng cấp SSD kích thước 2280, nhưng RAM thì không thể nâng cấp.

Để tận dụng hết khả năng của Ryzen 7 AI 350, người dùng cần phải cắm sạc cho máy. Kết quả benchmark với Geekbench cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa khi cắm sạc và khi rút sạc. Khi máy cắm sạc và hoạt động ở chế độ hiệu năng cao (High Performance), máy đạt 2.737 điểm đơn nhân và 12.013 điểm đa nhân, đây là những con số rất ấn tượng trong phân khúc ultrabook mỏng nhẹ. Tuy nhiên, khi rút sạc và để ở chế độ Balanced, điểm số giảm xuống còn 1.954 điểm đơn nhân và 10.173 điểm đa nhân. Nếu người dùng chuyển sang chế độ High Performance khi rút sạc, điểm đơn nhân có thể tăng lên 2.672, nhưng để đạt hiệu suất đa nhân tối ưu, việc cắm sạc là cần thiết.

Điều thú vị là hiệu suất SSD cũng có sự thay đổi tương tự. Trong bài test CrystalDiskMark, khi rút sạc, tốc độ đọc tuần tự đạt 3.464 MB/s và tốc độ ghi tuần tự đạt 3.353 MB/s. Tuy nhiên, khi cắm sạc, tốc độ tăng gần gấp đôi, với tốc độ đọc đạt 6.968 MB/s và tốc độ ghi lên tới 6.140 MB/s. Đặc biệt, tốc độ đọc 4K cũng cải thiện rõ rệt, từ 46 MB/s khi rút sạc lên 60 MB/s khi cắm sạc.

Khi không cắm sạc, hiệu suất SSD vẫn đủ đáp ứng cho các tác vụ cơ bản. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên làm việc với tệp dung lượng lớn hoặc tham gia vào các công việc sáng tạo nội dung, việc cắm sạc sẽ giúp tăng tốc độ và cải thiện trải nghiệm tổng thể một cách đáng kể.
Về khả năng xử lý đồ họa, GPU Radeon 860M cho thấy hiệu suất khá tốt trong phân khúc ultrabook mỏng nhẹ. Trong bài test benchmark 3DMark, Zenbook S16 đạt 10.513 điểm trong bài test Solar Bay và 2.268 điểm trong bài test Steel Nomad Light, một con số khá ấn tượng đối với GPU tích hợp.


Khả năng chơi game của Zenbook S16 thực tế vượt ngoài mong đợi đối với một chiếc ultrabook. Trong tựa game Cyberpunk 2077, máy đạt trung bình 51.84 FPS khi thiết lập đồ họa ở mức thấp (Low), độ phân giải 1680 x 1050, đồng thời sử dụng công nghệ AMD FidelityFX Super Resolution 3 (FSR 3) để cải thiện hiệu suất.

Với tựa game Shadow of the Tomb Raider, Zenbook S16 đạt trung bình 43 FPS ở độ phân giải 1920x1080, thiết lập đồ họa thấp.

Trong thử nghiệm với tựa game nặng như Black Myth: Wukong ở thiết lập đồ họa thấp và độ phân giải 1680x1050, máy duy trì được mức trung bình 48 FPS, dao động từ 36 FPS đến 57 FPS – một kết quả rất ấn tượng đối với một chiếc ultrabook không có GPU rời. Tuy nhiên, công cụ benchmark cảnh báo rằng mức VRAM của Radeon 860M (được chia sẻ với RAM hệ thống) có thể không đủ khi chơi thực tế, điều này dễ hiểu vì Black Myth: Wukong là một trong những game đòi hỏi VRAM rất lớn hiện nay.

Zenbook S16 không phải là một laptop gaming chuyên dụng. Mặc dù GPU Radeon 860M cho phép chơi được một số game AAA ở thiết lập đồ họa thấp hoặc trung bình, nhưng nếu bạn là game thủ đam mê, các dòng laptop như ROG hay TUF của ASUS với GPU rời và hệ thống tản nhiệt chuyên dụng sẽ là lựa chọn phù hợp hơn. Tuy nhiên, đối với người dùng chủ yếu làm việc và thỉnh thoảng muốn giải trí với những tựa game như Liên Minh Huyền Thoại hay Valorant, Zenbook S16 vẫn hoàn toàn đáp ứng tốt với hiệu suất ổn định.
Tóm lại, Zenbook S16 là một chiếc laptop "đa dụng" tuyệt vời trong phân khúc ultrabook. Hiệu năng mạnh mẽ từ Ryzen 7 AI 350 và Radeon 860M kết hợp với màn hình lớn 16 inch mang đến trải nghiệm làm việc và giải trí rất ấn tượng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa sức mạnh của máy, việc cắm sạc là điều kiện cần thiết, và đây là điểm người dùng cần lưu ý khi muốn khai thác hết khả năng của thiết bị.
Thời lượng pin ấn tượng cho một chiếc laptop màn hình 16-inch
Zenbook S16 sở hữu viên pin dung lượng 78Wh. ASUS công bố máy có thể hoạt động đến 18 giờ, nhưng con số này đạt được trong điều kiện thử nghiệm của hãng với video phát liên tục. Vậy trong thực tế, máy có thể trụ được bao lâu?
Tôi đã sạc đầy máy và rút sạc vào lúc 10 giờ tối. Sau đó, tôi tiến hành bài test duyệt web qua trình duyệt Google Chrome. Các website phổ biến tại Việt Nam được truy cập, với các thao tác cuộn, click chuột và gõ bàn phím mỗi phút. Để bài test sát với thực tế, tôi cũng để các ứng dụng như Facebook Messenger, Telegram và Spotify chạy nền. Tần số quét màn hình được cài đặt ở mức 60Hz mặc định.
Sau 24 giờ thử nghiệm, Zenbook S16 đã trụ được khoảng 10.5 tiếng sử dụng màn hình và vẫn còn khoảng 10% pin vào lúc 10 giờ tối hôm sau. Quá trình thử nghiệm còn kiểm tra mức độ hao hụt pin khi máy ở chế độ ngủ (Sleep), và kết quả cho thấy máy gần như không giảm pin trong trạng thái này.

Cần lưu ý rằng kết quả trên được thực hiện khi chỉ duyệt web với một tab duy nhất. Nếu người dùng mở nhiều tab hơn hoặc chạy thêm ứng dụng nặng, thời gian sử dụng pin sẽ giảm. Tuy nhiên, theo trải nghiệm của tôi, máy vẫn có thể duy trì khoảng 7-8 giờ sử dụng thực tế.
Một điểm cộng khác về pin của Zenbook S16 là khả năng sạc. Bộ sạc đi kèm rất nhỏ gọn nhờ công nghệ GaN (Gallium Nitride), giúp giảm kích thước nhưng vẫn duy trì công suất 65W. Bộ sạc này có đầu cắm tháo rời và dây sạc C-C cũng có thể tháo rời, rất thuận tiện khi mang theo. Với thiết kế nhỏ gọn này, bộ sạc hoàn toàn phù hợp với phong cách tối giản và tính di động của Zenbook S16. Người dùng cũng có thể sử dụng các bộ sạc USB-C của bên thứ ba, nhưng cần đảm bảo công suất ít nhất là 65W.

Zenbook S16 – Mảnh ghép mới nhất trong hệ sinh thái laptop AI của ASUS
Zenbook S16 (UM5606) có thể coi là mảnh ghép tiếp theo hoàn thiện hệ sinh thái laptop AI của ASUS, đáp ứng hầu hết các nhu cầu sử dụng phổ biến. Nếu Zenbook A14 với Snapdragon X gây ấn tượng bởi thiết kế siêu nhẹ và thời gian sử dụng pin dài, Zenbook 14 (UM3406) cân bằng giữa hiệu năng và tính di động, thì Zenbook S16 mang lại trải nghiệm màn hình lớn, hiệu năng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được sự mỏng nhẹ. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những người dùng cần một chiếc laptop phục vụ công việc và giải trí mà không phải đánh đổi giữa hiệu suất và tính di động.

Người dùng có thể trải nghiệm trực tiếp Zenbook S16 cùng các mẫu laptop AI của ASUS tại cửa hàng ASUS Exclusive Store, địa chỉ 161 Xã Đàn, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là không gian trưng bày và trải nghiệm toàn diện hệ sinh thái sản phẩm của ASUS, từ các dòng laptop tiêu dùng, gaming đến các sản phẩm dành cho doanh nghiệp và người sáng tạo nội dung. Ngoài khu vực trưng bày sản phẩm, ASUS Exclusive Store còn là nơi người dùng nhận được tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ chuyên viên của ASUS và tham gia các buổi hội thảo công nghệ với sự góp mặt của các chuyên gia trong ngành.