‘Chỉnh sửa một chút ở đây, thay đổi một ít chỗ kia’ chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Xlite V4 so với V3, nhưng tôi thực sự khó có thể phàn nàn, vì đây vẫn là một chuột công thái học tuyệt vời, gần như hoàn hảo!
Pulsar Xlite V3 là một trong những chuột tôi yêu thích nhất, nhờ vào thiết kế công thái học, trọng lượng nhẹ và trải nghiệm không dây mượt mà. Chính vì vậy mà tôi quyết định nâng cấp từ chiếc chuột ‘cỏ’ cũ của mình và sử dụng Xlite V3 hàng ngày từ đó đến nay.

Vì vậy, khi nghe tin Pulsar ra mắt phiên bản kế nhiệm của mẫu chuột này - Pulsar Xlite V4, tôi rất háo hức mong đợi xem thương hiệu Hàn Quốc sẽ cải tiến ra sao. Liệu sự chờ đợi của tôi có được đền đáp? Hãy cùng tôi trải nghiệm qua bài viết này!

Pulsar vẫn giữ cách đóng hộp giống như phiên bản trước, với một chiếc hộp bìa cứng phối màu trắng và xanh khá trang nhã.

Xlite V4 tiếp tục có ba phiên bản kích thước: Small (Size 1), Large (Size 3), và Medium (Size 2) - phiên bản được ra mắt sớm hơn và cũng là phiên bản chúng ta có trong bài viết hôm nay.

‘Đập hộp’, bộ phụ kiện đi kèm với chuột bao gồm tờ giấy bảo hành, một tấm thẻ lưu niệm, logo Pulsar, dây cắm USB-C - USB-A và dongle 2.4GHz.

Dây của phiên bản mới vẫn giữ những điểm mạnh từ thế hệ 3: Bọc dù vừa bền vừa mềm, đầu USB-C được thiết kế chéo để tránh tiếp xúc với mặt bàn khi cắm vào chuột (giảm ma sát khi sử dụng chế độ có dây).

Dongle được chia làm 2 phần, trong đó phần chính có đầu USB-A để cắm trực tiếp vào máy tính, và một phần chuyển tiếp giúp kéo dongle lại gần chuột hơn trên bàn. Một cải tiến của Xlite V4 so với thế hệ trước là hỗ trợ tần số lấy mẫu 8000Hz thay vì 4000Hz, tuy nhiên dongle đi kèm vẫn chỉ hỗ trợ tần số 1000Hz, vì vậy để tận hưởng tốc độ mới, người dùng cần mua dongle Pulsar 8K với giá 530 nghìn đồng.

Xlite V4 vẫn giữ thiết kế tối giản như phiên bản trước, không có quá nhiều họa tiết trang trí. Nhìn từ trên xuống, chỉ có logo thương hiệu nhỏ gần nút trái, còn lại thì có thể dễ dàng nhầm với chuột văn phòng thông thường.

Khác với Xlite V3 của tôi, Xlite V4 trong bài viết này có màu trắng. Ngay khi lấy chuột ra khỏi hộp, tôi đã nhận thấy sự khác biệt về lớp phủ, khi mà Xlite V3 màu đen có bề mặt bóng và dễ bám mồ hôi, vân tay. Trong khi đó, Xlite V4 trắng dù tôi dùng cả ngày vẫn giữ được sự khô ráo, nhìn sạch sẽ hơn hẳn.

Hai nút phụ của chuột được thiết kế to bản và nhô cao hơn mặt đáy, giúp việc bấm trở nên dễ dàng hơn khi chúng nằm đúng vị trí ngón cái của người dùng. Ở đây, tôi nhận thấy một cải tiến nhỏ so với thế hệ cũ, khi mà nút phụ có cảm giác chắc chắn hơn, ít bị lỏng nhẹ khi nhấn (pre-travel) như trên Xlite V3.

Cả hai nút chính cũng có sự điều chỉnh về switch và cấu trúc vỏ, cho cảm giác bấm khác biệt đôi chút so với Xlite V3. Ta vẫn có switch quang học với lực nhấn gần như giống hệt, nhưng đã được nâng cấp để chắc chắn hơn, tiếng bấm phát ra cũng ‘đầm’ hơn (thay vì âm thanh ‘tách tách’ thì nghe ‘tạch tạch’).
Sau khoảng 1 - 2 ngày sử dụng, tôi đã quên đi sự khác biệt nhỏ này về nút bấm vì chúng không phải là thay đổi quá lớn. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy Pulsar đang dần nâng cao chất lượng hoàn thiện của chuột, chứ không phải là V4... giống hệt V3!

Ở mặt dưới, thiết kế 'hở toang hoác' của các dòng Xlite vẫn được giữ nguyên. Các lỗ hở và bo mạch bên trong có sự thay đổi nhẹ so với Xlite V3, nhưng khi chuột đã được úp xuống để sử dụng thì điều này không còn quan trọng nữa.
Thiết kế này có một nhược điểm nhỏ mà tôi nhận thấy trong quá trình sử dụng, đó là khi bỏ chuột và dongle vào cùng một túi, dongle có thể lọt vào trong chuột. Tuy nhiên, điều này không quá đáng lo ngại, tôi chỉ cần thò tay vào lấy ra là xong.

Một trong những nâng cấp lớn giữa Xlite V3 và V4 là việc chuyển từ cảm biến Pixart PAW 3395 sang cảm biến Pulsar XS-1. Nhờ nâng cấp này, DPI đã được tăng từ 26.000 lên 32.000 và bổ sung thêm một mức nhận chuột khi nhấc lên (lift-up distance) mới là 0.7mm.
Dù cảm biến PAW 3395 vẫn mang lại độ chính xác cao và ít gặp lỗi, nhưng việc chuyển sang cảm biến mới không làm tôi cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt. Đây có thể là điều tốt, vì khi nâng cấp chuột, chúng ta chỉ cần điều chỉnh mức DPI quen thuộc và sử dụng mà không gặp phải vấn đề gì lớn.

Các game thủ ‘hardcore’ bắn súng đã nhận xét rằng phần chân (feet) của chuột Pulsar di chuyển hơi chậm, không đáp ứng kịp các cú vẩy tay nhanh. Tuy nhiên, nếu gặp phải vấn đề này, bạn có thể thay bằng Dot Skates để cải thiện tốc độ. Còn đối với tôi, sử dụng chuột cho cả công việc và game với lót chuột dạng Speed, thì phần chân PTFE này là đủ.

Về cảm giác cầm nắm, Xlite V4 nhìn trên giấy không có gì khác biệt so với Xlite V3. Trong ảnh so sánh, Xlite V4 màu tím và Xlite V3 màu xanh dương trông gần như giống hệt nhau, đến mức không thể phân biệt được.

Cả hai phiên bản chuột này đều dựa trên nguyên mẫu của chiếc Zowie EC-2CW, một dòng chuột công thái học được đánh giá cao. So với Zowie, con lăn của Xlite V4 được làm cao hơn, giúp thao tác cuộn thoải mái hơn và tránh việc vô tình chạm vào nút bấm. Điểm nổi bật của Xlite V4 là trọng lượng nhẹ hơn Zowie EC-2CW tới 2 phần 3, mang lại sự thoải mái tối ưu.

Dáng chuột của Xlite V3 và V4 có thể được gọi là kiểu công thái học ‘an toàn’. Ví dụ như Lamzu Thorn, với thiết kế to bản hơn, mang lại cảm giác ‘đầy tay’, hỗ trợ nhiều hơn nhưng lại khiến chuột trở nên cứng nhắc, khó thực hiện những cú vẩy nhanh.

Xlite V4, giống như nhiều mẫu chuột công thái học khác học hỏi từ EC2-W, vẫn giữ được sự linh hoạt. Nếu bạn cần sự thoải mái tối đa, có thể cầm chuột bằng lòng bàn tay (palm-grip), còn nếu muốn thao tác nhanh và dễ ‘vẩy’ trong game, cầm bằng đầu ngón tay (claw-grip) sẽ là lựa chọn tuyệt vời.

Điều khiến Xlite V4 nổi bật chính là trọng lượng siêu nhẹ của nó, chỉ 54g. Kết hợp với cảm biến được đặt ở vị trí cân bằng, chuột di chuyển rất nhanh và tự nhiên. Trọng lượng nhẹ này cũng giúp giảm thiểu căng thẳng khi sử dụng lâu, tôi không cảm thấy mỏi cổ tay dù dùng suốt cả ngày.




Phần mềm điều khiển Pulsar V4 cho phép tùy chỉnh nhiều tính năng của chuột, bao gồm DPI, tần số lấy mẫu (Polling Rate), khoảng cách nhận chuột (LOD), Motion Sync (đồng bộ chuyển động cảm biến với tần số lấy mẫu), Ripple Control (làm mượt chuyển động), Angle Snapping (điều hướng con trỏ theo đường thẳng) và thiết lập macro.
Một tính năng nhỏ nhưng hữu ích là khả năng hiển thị tình trạng kết nối giữa chuột và máy tính, hỗ trợ trong quá trình cài đặt ban đầu. Nếu cắm dongle quá xa, kết nối có thể không ổn định, lúc này bạn có thể cân nhắc sử dụng dây nối dài để đưa dongle lại gần chuột hơn.

Một nâng cấp nhỏ nhưng đáng chú ý trên một ‘công thức chiến thắng’
So với sự thay đổi rõ rệt từ thế hệ thứ 2 lên V3, những cải tiến từ V3 lên V4 không quá lớn, mà chủ yếu là sự hoàn thiện của ‘công thức chiến thắng’ đã có từ V3. Điều này khiến người dùng V3 như tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì trải nghiệm trực tiếp không có sự khác biệt rõ rệt.

Mặc dù mức giá không thay đổi (2.390.000 Đồng) , bạn vẫn nhận được một chiếc chuột công thái học nhẹ nhàng, tích hợp đầy đủ công nghệ hiện đại và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Nếu bạn đang dùng Xlite V3 và hài lòng với sản phẩm, việc nâng cấp có thể không cần thiết, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một sự thay thế từ chuột khác, Xlite V4 chắc chắn là lựa chọn đáng cân nhắc!