Cấu hình của chuột flagship với mức giá tầm trung, liệu người dùng có thể đặt niềm tin vào chất lượng?

Các chuột siêu nhẹ dưới 60g như Lamzu Thorn và Pulsar Xlite V4 đã mang lại cảm giác cầm rất thoải mái, với công thái học tối ưu, vậy chuột dưới 40g thì sao? Scyrox V8, với trọng lượng chỉ 36g, chính là câu trả lời.

Hộp của chuột Scyrox V8 mang đậm phong cách gaming, với ba tông màu chủ đạo: vàng neon, đen và xám, cùng phông chữ thiết kế độc đáo.

Khi mở hộp, tôi đã khá ngạc nhiên với cách thức mở của Scyrox V8: Hai lớp hộp từ hai bên mở ra, đẩy con chuột lên như đang được ‘dâng’ lên cho người dùng.

Bên dưới chuột là bộ phụ kiện gồm 2 bộ feet (một bộ đã được lắp sẵn), sách hướng dẫn, dongle 2.4GHz và dây kết nối USB-C.

Dây của chuột có màu vàng neon nổi bật, tương tự như màu của phiên bản chuột này, được bọc dù và gia cố chắc chắn. Phần đầu cắm vào chuột không cong như dây của Pulsar, mà thẳng với chân chuột như bình thường.

Dongle không dây của Scyrox V8 lại cần phải kết nối qua dây, thay vì sử dụng đầu USB-A để cắm trực tiếp vào máy tính như một số chuột tôi đã trải nghiệm gần đây. Điều này khiến nó kém thuận tiện hơn một chút!
Mặc dù bất tiện, dongle này lại bù đắp bằng việc hỗ trợ tần số lấy mẫu (polling rate) lên đến 8000Hz, một con số ấn tượng vì hầu hết các thương hiệu khác chỉ trang bị dongle với tần số 1000Hz, và nếu muốn tần số cao hơn, người dùng phải mua dongle riêng, tốn thêm chi phí.

Ngoài phiên bản màu đen và trắng, Scyrox V8 nổi bật nhất ở màu vàng neon. Mặc dù có sự khác biệt về màu sắc, thiết kế của chuột vẫn tuân theo xu hướng tối giản đang thịnh hành hiện nay, với ít chi tiết trang trí như logo và đèn.

Khi nhìn từ bên cạnh, bạn sẽ thấy logo Scyrox nhỏ gắn trên đèn báo DPI và tình trạng pin.

Từ góc nhìn này, chúng ta cũng có thể nhận thấy kiểu dáng đối xứng (ambidextrous) của Scyrox V8, thiết kế thấp và các nút bấm gần với đáy. Phần ‘đuôi’ của chuột được thiết kế cao hơn một chút để vừa vặn với lòng bàn tay. Chúng ta sẽ cùng đánh giá chi tiết hơn về cảm giác cầm và kiểu dáng chuột sau.

Cổng sạc và kết nối USB-C của chuột được thiết kế lùi vào một chút, điều này có thể khiến một số loại dây có bọc cao su dày không tương thích.

Với trọng lượng chỉ 36g, Scyrox V8 lại gây bất ngờ khi có vỏ ngoài không có lỗ. Thông thường, các nhà sản xuất chuột thường đục lỗ ở đáy để giảm trọng lượng, nhưng Scyrox V8 lại không làm vậy.
Scyrox V8 không có lỗ, đảm bảo không có bụi bẩn hay nước từ bên ngoài xâm nhập vào, giúp duy trì vệ sinh và tránh hư hỏng – một tính năng đáng chú ý! Nhìn từ dưới lên, chúng ta thấy có nút chuyển DPI, công tắc bật/tắt và cảm biến Pixart PAW 3950 với độ phân giải cao nhất lên đến 30.000 DPI.

Vậy cảm giác cầm chuột này ra sao? Như đã nói, đây là chuột kiểu thấp, không phải chuột công thái học, vì vậy khi cầm, cảm giác sẽ không ‘đầy tay’. Chuột này thích hợp với những người cầm bằng đầu ngón tay (claw-grip và fingertip-grip), còn nếu bạn cầm bằng lòng bàn tay (palm-grip), tay bạn phải nhỏ mới sử dụng thoải mái.
Về mặt thiết kế và tính công thái học, chuột này không thể so với Lamzu Thorn, Pulsar Xlite V4 hay dòng Logitech G Pro X Superlight 2 Dex mới ra. Tuy nhiên, với kiểu dáng không có điểm tựa chắc chắn, chuột này lại có sự linh hoạt cao, mang đến cảm giác thoải mái khi thực hiện những cú vẩy nhanh trong các trò chơi bắn súng như Overwatch hay CS:GO.

Một vấn đề tôi thường gặp với những chuột có kiểu dáng này là nếu trọng lượng quá nặng, việc chỉ dùng ngón tay sẽ làm tay mỏi nhanh. Tuy nhiên, Scyrox V8 chỉ nặng 36g, ngay cả khi di chuyển bằng ngón tay nhẹ nhàng, chuột vẫn phản hồi nhanh, giúp cảm giác thoải mái dù không có nhiều sự nâng đỡ.

Ý tưởng về những chuột có thiết kế đối xứng, thấp và nhẹ không phải là mới. Ninjutso đã từng phát hành dòng Sora V2 với kiểu dáng tương tự như Scyrox V8.

Pulsar cũng có dòng chuột X2 với các phiên bản X2H và X2V2 có thiết kế khá giống với Scyrox V8. Tuy nhiên, khi xét đến trọng lượng, chuột Pulsar lại nặng hơn gần gấp rưỡi, vì vậy Scyrox V8 vẫn chiếm ưu thế về tính nhẹ nhàng.

Về nút bấm, Scyrox V8 sử dụng switch quang học từ Omron cho hai nút chính thay vì phát triển switch riêng. Hai nút này có cảm giác bấm chắc chắn (không bị lắc sang hai bên, không có khoảng trống trước khi bấm) và âm thanh hơi trầm, yên tĩnh hơn so với các switch quang từ Pulsar hay Razer.
Vì tôi đã quen sử dụng các con chuột công thái học với hai nút bấm phụ khá lớn ở bên hông, nên nút phụ của Scyrox V8 có phần hơi nhỏ đối với tôi. Tuy nhiên, đây là điều có thể chấp nhận, vì mặt hông của chuột này khá hẹp, nếu làm nút lớn hơn sẽ chiếm diện tích tay cái của người dùng.




Phần mềm điều khiển của Scyrox trông khá giống với phần mềm của Lamzu - có lẽ chúng sử dụng chung mã nguồn mở? Phần mềm này cho phép điều chỉnh DPI (có thể lưu vào chuột với các màu sắc khác nhau), bật/tắt các tính năng như Ripple Control, Angle Snapping và Motion Sync, thay đổi vị trí nhận chuột (LOD), bao gồm cả mức 0.7mm thường thấy trên các chuột hiện đại và gán macro cho các nút.
Được sinh ra để 'vẩy'
Khi sử dụng Scyrox V8, tôi cảm nhận rõ rằng con chuột này được thiết kế để di chuyển cực nhanh! Với thiết kế nhỏ gọn, trọng lượng chỉ 36g và cảm biến cao cấp, những cú vẩy tay trở nên chính xác, nhẹ nhàng và không tốn sức.
Về mặt thoải mái và nâng đỡ lòng bàn tay, đây không phải là lựa chọn tối ưu vì những con chuột công thái học lớn hơn mới có thể đáp ứng tốt điều này. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng nhiều người đánh giá cao tốc độ và sự linh hoạt của những con chuột cân xứng như Scyrox V8 hơn là chú trọng vào yếu tố công thái học.

Điều gây bất ngờ chính là mức giá của Scyrox V8! Với chất lượng vỏ ngoài hoàn thiện, trọng lượng siêu nhẹ và các linh kiện cao cấp, tôi dự đoán giá của nó phải dao động từ 2 - 2.5 triệu đồng, tương đương với các sản phẩm từ Lamzu và Pulsar. Tuy nhiên, nó chỉ có giá bán 1.750.000 Đồng, một mức giá rất hợp lý.