Lần đầu cầm chiếc máy bạn chuyển tay, tôi bất ngờ đến mức suýt đánh rơi vì độ nhẹ của nó. Thật vậy! Dù nhìn ngoài có phần lớn hơn Leica Q2 tôi đang dùng, nhưng chẳng ai ngờ máy lại nhẹ tương đương như vậy... Là người từng coi máy crop Fujifilm chỉ để giải trí, giờ tôi đã có cảm tình trở lại với hãng nhờ chiếc máy này.

Fujifilm luôn biết cách gây ấn tượng trong giới nhiếp ảnh, và GFX100RF chính là minh chứng. Đây là máy medium format đầu tiên với ống kính cố định, tích hợp cảm biến 102MP trong thân máy nhỏ gọn cực kỳ ấn tượng. Là người đam mê ảnh đường phố và trải nghiệm nhiều dòng máy, tôi rất thích thú với GFX100RF, thậm chí nó đang thay đổi cách tôi nhìn nhận về medium format.
Medium Format là gì?
Medium Format (định dạng trung) là loại cảm biến máy ảnh có kích thước lớn hơn đáng kể so với cảm biến full-frame (35mm) vốn phổ biến trong các máy ảnh chuyên nghiệp. Trong khi cảm biến full-frame có kích thước khoảng 36 x 24mm, cảm biến Medium Format thường dao động từ 43.8 x 32.9mm (như Fujifilm GFX hay Hasselblad X) đến 53.4 x 40mm (ở một số mẫu Hasselblad cao cấp).

Mô tả chi tiết về các kích thước cảm biến.
Kích thước lớn hơn giúp cảm biến thu nhận nhiều ánh sáng hơn, mang đến độ chi tiết tuyệt vời, dải động rộng (thường từ 13-14 stop), và màu sắc phong phú, cực kỳ phù hợp với in ấn khổ lớn, nhiếp ảnh nghệ thuật hoặc chụp sản phẩm, quảng cáo…
Tôi từng trải nghiệm Medium Format qua các máy phim như Rolleiflex, Hasselblad 500C, Pentax 67 và các máy số như Fujifilm GFX 50 SII, Hasselblad X1D II. Tôi rất ấn tượng với độ sâu ảnh, nổi khối và sự mượt mà trong chuyển vùng màu, đặc biệt ở các vùng chuyển sắc như bầu trời và bóng đổ.
Tuy nhiên, rào cản lớn khiến tôi ngại tiếp cận Medium Format kỹ thuật số là giá thành cao và tốc độ lấy nét chậm hơn so với full-frame. Với GFX100RF, Fujifilm đã khiến tôi ngạc nhiên khi đặt cảm biến Medium Format 102MP vào thân máy nhẹ chỉ 735g cùng ống kính gắn liền, mở ra cơ hội cho người cần chất lượng cao và sự linh hoạt như chụp phố hay du lịch với mức giá hợp lý hơn.

Fujifilm mong muốn xóa bỏ định kiến rằng Medium Format chỉ dành cho studio cồng kềnh, hướng tới nhiếp ảnh gia đường phố và du lịch.
Một chiếc Medium Format gọn nhẹ chưa từng có
Fujifilm GFX100RF gây ấn tượng ngay từ lần đầu nhìn với thiết kế rangefinder cổ điển, khiến tôi nhớ đến dòng X100 đang rất được ưa chuộng hiện nay. Thân máy hợp kim magie, chắc chắn mà chỉ nặng 735 gram – nhẹ nhất trong các mẫu GFX.


Máy có kích thước 134 x 90 x 76mm (5.3 x 3.6 x 3 inch), tích hợp cảm biến Medium Format 43.8 x 32.9mm trong thân hình nhỏ gọn đáng ngạc nhiên.
Máy trang bị ống kính cố định Fujinon GF 35mm f/4 (tương đương 28mm và khoảng f/3.2 trên full-frame), kèm bộ lọc ND 4-stop, một tính năng đặc trưng từ X100 nay xuất hiện trên GFX. Bộ xử lý X-Processor 5 cùng cảm biến cho dải động rộng 14 stop ở F-Log2.

Kính ngắm điện tử (EVF) OLED với 5.76 triệu điểm ảnh và độ phóng đại 0.84x, mang đến trải nghiệm quan sát cực kỳ sắc nét.





Màn hình LCD cảm ứng 3.15 inch có khả năng lật nghiêng 2 trục, hỗ trợ chụp ở nhiều góc độ đa dạng, rất phù hợp với thể loại street photography, chân dung hay phong cảnh.




Điểm khác biệt nổi bật so với dòng X100 là vòng chỉnh tỷ lệ khung hình với 9 lựa chọn (4:3, 3:2, 16:9, 17:6, 3:4, 1:1, 7:6, 5:4, 65:24) mà vẫn giữ nguyên chất lượng nhờ cảm biến 102MP, giúp bạn thoải mái sáng tạo bố cục ngay trong lúc chụp.



Thực tế, tỷ lệ 65:24 là một trải nghiệm thú vị mà bạn nên thử ít nhất một lần.
Trong chuyến công tác ở Paris, tôi mang theo GFX100RF suốt ngày dài, và trọng lượng nhẹ 735g thực sự là điểm cộng lớn. So với các máy Medium Format truyền thống như GFX100S hay GFX50S (trên 800g, chưa kể ống kính), GFX100RF nhẹ đến mức tôi gần như không mỏi tay dù cầm cả ngày.
Điều ngạc nhiên là trọng lượng máy tương đương Leica Q2 (734g, bao gồm pin) mà tôi thường sử dụng, dù cảm biến lớn hơn nhiều. Đây là hình ảnh tôi chụp lại so sánh kích thước giữa Q2 và GFX100RF:



Kích thước của GFX100RF chỉ nhỉnh hơn chút so với Q2 (134 x 90 x 76mm so với 130 x 80 x 91.9mm), khiến nó trở thành chiếc Medium Format hiếm hoi có thể sánh ngang với máy full-frame về độ cơ động.
Thực tế, tôi từng nghĩ máy ảnh cảm biến crop-frame của Fujifilm (như X-T series, X100 series) chỉ thích hợp để chơi vui, không đủ cho nhu cầu chuyên nghiệp. Có thể nhiều người không đồng ý, và tôi cũng biết đây là chủ đề tranh luận lâu nay trên mạng, rằng liệu những dòng máy này của Fujifilm có thực sự đáp ứng được công việc chuyên sâu và có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không?
Dù sở hữu tông màu độc đáo nhờ bộ lọc giả màu phim và thiết kế cuốn hút, giá máy thường cao so với hiệu năng, khiến tôi lựa chọn Leica Q rồi đến Q2 (Q3 thì giá vẫn còn khá cao nên tôi chưa vội tiếp cận) – một chiếc máy full-frame với ống kính f/1.7 sắc nét, linh hoạt trong nhiều điều kiện ánh sáng và kinh tế hơn.
Fujifilm từng có Medium Format như GFX100S hay GFX50S, nhưng chúng khá cồng kềnh và người dùng phải đầu tư thêm ống kính rời, làm tăng chi phí. Tuy nhiên, với GFX100RF, tôi thấy đây là bước ngoặt khi hãng mang đến một chiếc Medium Format nhỏ gọn thực sự, tích hợp ống kính cố định, điều chưa từng có ở dòng máy digital nào khác.

So với các model GFX, GFX100RF nhẹ hơn GFX100S II (883g, chưa tính ống kính) và GFX100 II (1030g, bao gồm EVF). Dù thiếu chống rung trong thân máy (IBIS, vốn có trên GFX100S II và GFX100 II), chiếc máy vẫn thích hợp để chụp cầm tay nhờ ống kính góc rộng và màn trập nhẹ. So với X100VI, GFX100RF giữ phong cách nhỏ gọn, cổ điển, nhưng cảm biến 102MP vượt trội APS-C 40.2MP, với ống 35mm f/4 phù hợp chụp phong cảnh và phố thị hơn 23mm f/2.
Thao tác thực tế: Thoải mái nhưng cần thời gian làm quen
Cầm Fujifilm GFX100RF trên tay, tôi cảm nhận máy rất vừa vặn với thiết kế báng cầm chắc chắn, giúp chụp lâu mà không mỏi. Các vòng xoay điều chỉnh tốc độ màn trập, bù phơi sáng, vòng khẩu độ… được gia công tỉ mỉ, không có gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ bạn cần thời gian để làm quen với các thao tác, đặc biệt là hệ thống nút tùy chỉnh.






Máy có 7 nút tùy chỉnh cho phép gán các chức năng như chuyển Film Simulation, kích hoạt digital teleconverter, hay bật bộ lọc ND. Ban đầu, tôi thấy tính năng này rất linh hoạt nhưng cũng khá rối. Tôi gán Fn1 cho chuyển tiêu cự crop (35mm, 45mm, 63mm) và Fn2 cho chế độ Acros, nhưng khi chụp phố, đôi khi tôi quên nút nào làm gì. Lời khuyên là nên chọn 2-3 chức năng thường dùng và luyện tập để thành thạo.
Trong chuyến công tác tại Paris, tôi đã mang chiếc máy này theo và thật sự ấn tượng với tốc độ lấy nét của nó, nhanh vượt trội so với các máy Medium Format Fujifilm trước đây như GFX50S II hay GFX100S. Máy luôn sẵn sàng bắt khoảnh khắc tôi muốn, nhất là khi khả năng lấy nét nhanh giúp tôi không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào, dù điều kiện ánh sáng có phần khó khăn.







Tiêu cự 28mm (tương đương full-frame) của ống kính 35mm f/4 rất lý tưởng cho phong cách streetlife, tương tự Leica Q2 mà tôi yêu thích. Góc chụp này giúp tôi tiến gần chủ thể nhưng vẫn ghi nhận được nhiều khung cảnh xung quanh, tạo nên câu chuyện sâu sắc và sinh động nhất có thể.
Khả năng chụp liên tiếp cũng được cải thiện rõ, lưu ảnh nhanh gần như không gặp hiện tượng đệm bộ nhớ lâu – điều từng là hạn chế trên Medium Format. Để đạt được hiệu suất này, tôi sử dụng thẻ SDXC SanDisk Extreme Pro UHS-II U3 300MB/s và thẻ SDXC Lexar Armor UHS-II 280MB/s để đảm bảo tốc độ ghi đủ nhanh cho file RAW 16-bit dung lượng lớn. Nếu muốn trải nghiệm mượt mà, thẻ nhớ tốt là điều bắt buộc.


Một file ảnh từ cảm biến Medium Format có dung lượng rất lớn, nên ngoài việc dùng thẻ tốc độ cao, bạn nên chọn thẻ có dung lượng lớn và tận dụng cả hai khe cắm thẻ SD để tránh tình trạng "đầy thẻ" giữa chừng, gây lúng túng khi phải thay thẻ.
Dù thiếu IBIS như đã nói ở trên, nhưng tôi rất cảm kích thân máy khá nhẹ, kết hợp ống kính góc rộng và màn trập lá nhẹ giúp việc chụp với tốc độ chậm khoảng 1/15s hoặc 1/30s vẫn rất ổn định, không gặp khó khăn gì.





Nhờ độ phân giải 102MP, GFX100RF cho phép crop ảnh sâu mà vẫn giữ chất lượng tốt. Khi sử dụng digital teleconverter chuyển sang tiêu cự 45mm (60MP), 63mm (30MP) và 80mm (9MP, tỷ lệ 65:24), hình ảnh vẫn đạt chất lượng ổn định nhất.
Thời lượng pin là điểm cộng lớn. Trong chuyến công tác tại Paris, tôi đã đi dạo và chụp từ 9h sáng đến 10:30 tối, chỉ nghỉ ăn trưa, ăn tối và vài lần ghé quán cà phê. Tôi chụp liên tục, chủ yếu ở định dạng RAW, dùng hết một thẻ SD 64GB và gần nửa thẻ thứ hai (tương đương 1,5 thẻ 64GB).

Dù tôi chụp rất nhiều trong ngày, khi về phòng kiểm tra lại mới thấy pin chỉ giảm 2 vạch (khoảng 30-40% pin trên thang 5 vạch). Theo chuẩn CIPA, pin W-235 cho phép chụp 820 tấm, nhưng thực tế tại Paris cho thấy máy có thể xử lý khối lượng ảnh lớn liên tục mà không cần sạc lại.
Dưới đây là bảng so sánh cảm biến của GFX100RF với các máy Medium Format khác:

Và tất nhiên không thể thiếu Film Simulation
Nói đến Fujifilm thì không thể không nhắc đến khả năng giả lập màu phim (Film Simulation), vốn là "món ăn tinh thần" của nhiều tín đồ Fuji, và cũng là một trong những lý do chính khiến họ quyết định mua máy.

GFX100RF mang đến 18 chế độ Film Simulation, nổi bật nhất là Reala Ace dùng để mô phỏng phim Fujifilm Superia Reala. Reala Ace tạo ra màu sắc cân bằng, trung thực, độ tương phản vừa phải, rất thích hợp cho chụp chân dung và cảnh phố. Các chế độ khác như Nostalgic Neg. có tông ấm cho hoàng hôn, Velvia tăng độ bão hòa cho phong cảnh, Acros tạo ảnh đen trắng tương phản cao cho ảnh đường phố.
So với X100VI, Film Simulation của GFX100RF có số lượng tương đương, nhưng nhờ cảm biến medium format mà khả năng chuyển màu mượt mà, chi tiết hơn hẳn.
Giá cả và đối tượng người dùng
Tại Việt Nam, Fujifilm GFX100RF có giá chính hãng là 144.990.000 VNĐ cho phiên bản màu đen và 147.990.000 VNĐ cho màu bạc. Ngoài ra, khách hàng mua sớm sẽ được tặng thẻ SD Exascend 64GB V90 (tốc độ cao, phù hợp với RAW 16-bit) cùng túi đựng Billingham Hadley Small Pro.
Mức giá này khi ra mắt đã gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội, nhưng với tôi – người đã trải nghiệm nhiều thiết bị khác nhau, kể cả Medium Format – GFX100RF có mức giá rất hợp lý so với hiệu năng. Bạn khó có thể tìm được máy Medium Format nhỏ gọn, tiện lợi và không phải đau đầu đầu tư thêm ống kính. Tất nhiên, không phải ai cũng phù hợp với chiếc máy này.
Chiếc máy này phù hợp với:
- Những người yêu thích nhiếp ảnh đường phố nhưng muốn chất lượng cảm biến tốt hơn
- Người muốn tận dụng cảm biến 102MP Medium Format để chụp phong cảnh, phố thị, thoải mái crop ảnh mà không lo mất chi tiết
- Người muốn trải nghiệm máy Medium Format nhỏ gọn, giá mềm hơn
Ai nên cân nhắc kỹ hơn?
- Người thường xuyên chụp trong điều kiện ánh sáng yếu: Ống kính f/4 và thiếu chống rung IBIS hạn chế việc chụp sự kiện đêm hoặc thể thao
- Người cần ống kính đa dụng: Ống kính cố định hạn chế tiêu cự linh hoạt
- Người chuyên chụp chân dung, cần xóa phông mờ mịt.
Một số bức ảnh tôi chụp thử tại Paris:























Và đây là một vài ảnh chụp tại Việt Nam:











