Bắt đầu như giấc mơ Silicon Valley, nhưng chuỗi sai lầm chiến lược đã đẩy GoPro đến bên bờ diệt vong.
Từ mức định giá 11 tỷ USD năm 2014 - biểu tượng của văn hóa YouTube và tinh thần mạo hiểm, GoPro giờ chỉ còn 2% giá trị đỉnh, với 50% nguy cơ phá sản. Hành trình này không chỉ là bài học về thương trường mà còn là cảnh báo về việc đánh mất tầm nhìn ban đầu.
Trước khi tạo nên đế chế GoPro, Nick Woodman đã nếm trải hai lần thất bại ê chề: startup thương mại điện tử đầu tiên phá sản hoàn toàn, dự án thứ hai thiêu rụi 4 triệu USD trong bong bóng dot-com. Chuyến đi lướt sóng 5 tháng ở Australia sau đó đã giúp anh nhận ra nhu cầu thiết yếu: người lướt sóng cần cách tự quay lại khoảnh khắc của mình.
Khởi nguồn từ một giấc mơ

Nick Woodman, nhà sáng lập của GoPro
Sống cùng bố mẹ ở tuổi 26, Woodman miệt mài 20 giờ/ngày trong 2 năm để hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên. Sản phẩm ban đầu đơn giản đến bất ngờ: camera film 35mm giá rẻ đặt trong vỏ chống nước, bán với giá gấp 5 lần giá vốn. Bước đột phá đến từ đơn hàng 100 chiếc của nhà phân phối Nhật tại triển lãm 2004, đặt nền móng cho đế chế sau này.
Trong 10 năm tiếp theo, GoPro bùng nổ với tốc độ chóng mặt, từ những cửa hàng đồ lướt sóng nhỏ vươn lên chiếm lĩnh các đại lý bán lẻ khổng lồ như REI và Best Buy. Năm 2014 đánh dấu cột mốc 1 tỷ USD doanh thu, biến hãng này thành hiện tượng văn hóa đích thực.
GoPro không đơn thuần bán camera mà chính là bán giấc mơ phiêu lưu. Hàng triệu clip YouTube được ghi lại bằng sản phẩm của họ đã biến thương hiệu này trở thành đại diện cho lối sống năng động và đầy cảm hứng.
Những dấu hiệu báo trước thảm họa

Từng một thời GoPro là biểu tượng của những con người mạo hiểm
Thành công rực rỡ sau đợt IPO năm 2014 với 420 triệu USD huy động được đã vô tình trở thành khởi nguồn cho chuỗi sai lầm. Đầu tiên phải kể đến việc mở rộng quy mô quá nhanh mà thiếu chiến lược bài bản.
Đội ngũ nhân sự bùng nổ lên hơn 1.600 người, trong khi CEO Nick Woodman nhận mức thù lao kỷ lục 285 triệu USD năm 2015 - cao nhất nước Mỹ. Điều gây sốc hơn khi biết lợi nhuận cả năm của công ty chỉ đạt 128 triệu USD, nghĩa là khoản lương này gấp đôi toàn bộ lãi ròng.
Cùng với chính sách chi tiêu phóng tay, GoPro dần đánh mất định hướng chiến lược. Thay vì củng cố vị thế dẫn đầu về camera hành động, hãng lại lao vào tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành nghề.

Gopro hợp tác với HBO và Hulu với tham vọng chuyển mình thành tập đoàn truyền thông đa lĩnh vực
GoPro Entertainment được thành lập với đội ngũ lãnh đạo từ HBO và Hulu, kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành truyền thông. Nhưng sau khi tiêu tốn hàng triệu đô la mà không thu về kết quả, bộ phận này buộc phải ngừng hoạt động năm 2016 trong im lặng.
Thảm họa lớn hơn đến từ Karma Drone. Ban đầu GoPro định hợp tác với DJI - ông lớn trong ngành drone, nhưng thương vụ tan vỡ do yêu cầu chia lợi nhuận phi thực tế. Tự phát triển sản phẩm riêng, hãng tung ra Karma năm 2015 với nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, lỗi hệ thống điện nghiêm trọng khiến drone rơi như mưa, buộc lệnh thu hồi toàn bộ chỉ sau hơn 2 tuần ra mắt. Dự án này ngốn mất 375 triệu USD trước khi chính thức khai tử năm 2018.
Hồi kết buồn cho giấc mơ một thời

Những chiếc camera từng làm mưa làm gió giờ chỉ còn trong hoài niệm
Trong lúc GoPro mải mê với các dự án mở rộng, thị trường đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Smartphone ngày càng mạnh mẽ với khả năng quay phim 4K sắc nét. Đối thủ như DJI và Insta360 liên tục đổi mới, trong khi giới sáng tạo nội dung cần nhiều hơn những chiếc máy quay thông thường. Thế nhưng GoPro vẫn khư khư bám lấy mô hình kinh doanh phần cứng lỗi thời.
Cuối năm 2015, GoPro bắt đầu lộ rõ dấu hiệu khủng hoảng. Doanh số quý IV sụt giảm 31%, dự báo tài chính quý I/2016 bị cắt giảm 50%. Sản phẩm Hero4 Session thất bại nặng nề, buộc công ty phải xóa sổ 57 triệu USD hàng tồn kho. Đến năm 2018, thị phần từ 67% đã tụt xuống dưới 30%.
Sau thảm bại với drone, GoPro cắt giảm mạnh ngân sách R&D từ 358.9 triệu USD (2016) xuống còn 153.8 triệu USD (2019). Quyết định sai lầm này khiến họ tụt hậu công nghệ, sản phẩm kém ổn định, dịch vụ khách hàng xuống cấp, làm suy giảm nghiêm trọng hình ảnh thương hiệu.

Từ mức đỉnh gần 100 USD/cổ phiếu năm 2014, GoPro giờ đứng trước nguy cơ phá sản không thể tránh khỏi
Năm 2018 chứng kiến sự sụp đổ toàn diện của GoPro: hàng loạt nhân viên mất việc, Woodman giảm lương về 1 USD, cổ phiếu lao dốc 93% từ 93.85 USD xuống 1.30 USD. Dù cố gắng chuyển hướng sang bán hàng trực tiếp và dịch vụ đám mây, mọi nỗ lực đều quá muộn để cứu vãn tình thế.
Hiện GoPro vẫn sản xuất camera hành động chất lượng, nhưng đế chế 11 tỷ USD đã không còn. Vốn hóa thị trường dưới 100 triệu USD với 50% nguy cơ phá sản. Năm 2024 ghi nhận khoản lỗ 432 triệu USD, cho thấy triển vọng ngày càng ảm đạm.
Hành trình GoPro là bài học đắt giá về việc giữ vững định hướng và sự khiêm tốn. Thay vì phát huy thế mạnh cốt lõi, họ sa đà vào mở rộng thiếu chiến lược. Sự ngạo mạn, chi tiêu phung phí và thiếu linh hoạt đã biến một biểu tượng công nghệ thành tấm gương cảnh tỉnh về tính bấp bênh của thành công.
Nguyễn Hải (Tổng hợp)