


Độ trễ (latency) có thể khác nhau tùy theo từng dòng điện thoại
Việc truyền tải dữ liệu qua Bluetooth không phải lúc nào cũng ổn định. Trang web Soundguys đã chỉ ra sự khác biệt về độ trễ giữa các codec như Sony LDAC và AAC trên Android. Khi một hãng công nghệ công bố tốc độ truyền tải cho một codec, con số này không phải là tốc độ thực tế mà bạn sẽ trải nghiệm, mà chỉ là tốc độ lý thuyết trong điều kiện tối ưu. Thực tế, tốc độ truyền tải sẽ không bao giờ đạt được mức tối đa trừ khi mọi yếu tố sử dụng đều được tối ưu hóa.
Bên cạnh đó, khoảng cách kết nối Bluetooth giữa các thiết bị cũng có giới hạn. Mặc dù nhiều nhà sản xuất quảng cáo rằng khoảng cách kết nối lên đến 10m, nhưng thực tế thường chỉ khoảng 5m. Khi khoảng cách càng xa, tín hiệu Bluetooth sẽ dễ dàng bị nhiễu và gián đoạn, đặc biệt là khi có các vật cản như tường, kính, hoặc các tần số giao thoa như sóng radio và Wi-Fi.
Một yếu tố khác cần lưu ý là khả năng nhận thức âm thanh của con người (psychoacoustics). Điều này có nghĩa là khi chuyển đổi sang âm thanh kỹ thuật số, hệ thống sẽ quyết định phần dữ liệu nào có thể nén hoặc loại bỏ mà không làm giảm chất lượng quá nhiều. Nhờ vào yếu tố này, các định dạng âm thanh nén lossy như MP3 ra đời, và trong công nghệ Bluetooth, âm thanh cũng bị nén để dễ dàng truyền tải.
Vậy Bluetooth codec là gì?
Codec là công nghệ quyết định cách thức dữ liệu âm thanh được truyền từ thiết bị nguồn như điện thoại, máy tính bảng, hay máy tính đến tai nghe hoặc loa. Cho dù bạn sử dụng codec nào, nó sẽ mã hóa và giải mã dữ liệu âm thanh thành định dạng phù hợp. Mục tiêu là truyền tải âm thanh chất lượng cao với bitrate thấp nhất, vì Bluetooth có băng thông hạn chế, do đó việc truyền tải tín hiệu âm thanh có thể gặp khó khăn. Điều này giúp giảm dung lượng và tăng hiệu suất khi phát nhạc. Với những kiến thức trên, bạn có thể nhận thấy rằng codec có bitrate thấp sẽ nén dữ liệu âm thanh nhiều hơn, làm giảm chất lượng âm thanh, trong khi codec có bitrate cao sẽ giảm nén và cải thiện chất lượng âm thanh.

Các codec phổ biến mà bạn nên biết.
Chuẩn codec Low-complexity sub-band codec (SBC) là chuẩn codec Bluetooth thấp nhất, đây là điều kiện thấp nhất của Bluetooth Special Interest Group (SIG) dành cho A2DP profile (quyết định cách âm thanh được truyền giữa hai thiết bị). SBC đầu tiên được thiết kế để có chất lượng âm thanh chấp nhạn được với một bit-rates tương đối vừa phải, đồng thời làm giảm độ phức tạp khi truyền tải dữ liệu. Codec này được thiết kế để giải quyết giới hạn đường truyền Bluetooth và khả năng xử lý tín hiệu giữa các thiết bị. Tốc độ truyền tải tối đa là 320kbps và tín hiệu có thể chấp nhận được với sự hy sinh của việc bị suy giảm dữ liệu.
Tiếp đến là hàng loạt các codec aptX đến từ Qualcomm bao gồm: aptX, aptX Low Latency (aptX LL) và aptX HD. Trong tương lai gần khi aptX Adaptive được ra mắt sẽ thay thế cho aptX LL. Những codec này chủ yếu chỉ xuất hiện trên các điện thoại Android và các thiết bị âm thanh cao cấp. Các codec này làm giảm độ trễ latency khi truyền tải tín hiệu âm thanh, tuy nhiên mức độ giảm độ trễ hay lag sẽ phụ thuộc vào từng điện thoại và nhà sản xuất nhất định. Tất nhiên người sử dụng cũng cần phải tìm những thiết bị âm thanh như tai nghe, loa có hỗ trợ chuẩn aptX tương ứng nếu muốn hai thiết bị đồng bộ sử dụng aptX cũng như chất lượng âm thanh chính xác và nhiều chi tiết hơn. aptX hỗ trợ giải mã và truyền tải dữ liệu âm thanh lên đến 16bit/48kHz LPCM với bit-rates 352kbps, trong khi đó aptX HD hỗ trợ hỗ trợ định dạng lên đến 24bit/48kHz với bit-rates đến 576kbps. Tuy nhiên các bạn cũng nên biết rằng các codec trên đều là lossy codec vì thế việc giải mã các file nhạc sẽ bị nén và có chất lượng lossless sẽ bị suy giảm một phần.
Nếu các bạn có iPhone, thì aptX sẽ không được hỗ trợ bởi vì hiện tại các thiết bị iOS chỉ hỗ trợ SBC và AAC.

Chất lượng phát nhạc AAC cũng phụ thuộc vào từng thiết bị khác nhau
Advanced Audio Coding (AAC), là phương thức tiêu chuẩn dành cho việc nén các dữ liệu âm thanh kỹ thuật số. Đây cũng là phương thức truyền tải miễn phí được Youtube và Apple sử dụng. Những người sử dụng iPhone sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tiêu chuẩn AAC, với khả năng phát nhạc cao cấp cùng với bit-rates 250kbps.
Mặc dù Android hỗ trợ AAC, tuy nhiên những gì mà Android thể hiện đối với codec AAC là khá thất vọng khi chất lượng truyền tải thiếu sự ổn định. Đây không phải là điểm yếu của codec AAC, mà đây là bởi vì Android OS vẫn chưa giới thiệu cách xử lý chung dành cho codec AAC. Nói chung AAC là một codec cần nhiều tài nguyên để xử lý chính xác tuy nhiên đối với iOS thì nhờ vào hệ sinh thái đóng của mình mà Apple có thể xử lý được những khó khăn của codec AAC một cách khá ổn định.

Các codec có chất lượng truyền tải thấp như SBC, AAC và LDAC 330 bắt đầu bị mất gói dữ liệu khi tín hiệu đạt -80dBm, giúp kết nối duy trì ổn định trong điều kiện không có vật cản, nhiễu hoặc khoảng cách xa. Trong khi đó, với LDAC 990 và 660kbps, kết nối cần phải đủ mạnh mẽ để tránh bị mất tín hiệu hay gián đoạn.
Sony LDAC là một codec tiềm năng, có thể truyền tải âm thanh ở ba mức bitrate khác nhau, với tốc độ truyền cao gấp ba lần SBC. Tuy nhiên, thực tế LDAC cung cấp ba mức bitrate là 990kbps, 660kbps và 330kbps. Hai mức bitrate cao nhất mang lại chất lượng âm thanh tuyệt vời, nhưng vẫn mất dữ liệu âm thanh ở tần số trên 20kHz. Với LDAC 330kbps, chất lượng âm thanh không thể so sánh được với aptX hoặc SBC. Mặc dù LDAC 990kbps là lựa chọn lý tưởng cho những ai quan tâm đến âm thanh chất lượng cao, nhưng nhiều điện thoại lại để mặc định LDAC ở mức 330kbps, yêu cầu người dùng phải vào chế độ developer option để chọn bitrate cao hơn.
Vậy codec Bluetooth có thực sự tạo ra sự khác biệt không?
Nếu bạn là người mới sử dụng tai nghe hoặc nghe trong môi trường nhiều tiếng ồn, có thể bạn sẽ không nhận thấy sự khác biệt giữa SBC, aptX và AAC. Tuy nhiên, codec ảnh hưởng nhiều hơn đến tốc độ phản hồi và độ mượt mà khi sử dụng. Ví dụ, nếu bạn chuyển bài hát từ nút điều khiển trên tai nghe mà phải đợi một giây sau mới có âm thanh, có thể bạn đang sử dụng SBC. Mặc dù nhiều điện thoại hiện nay có tính năng đồng bộ âm thanh và video, nhưng việc đồng bộ này cũng không hoàn toàn loại bỏ các hiện tượng gián đoạn hay độ trễ.
Tóm lại, nếu bạn sử dụng Android (đặc biệt từ phiên bản 8.0 trở lên), nên chọn aptX, aptX HD hoặc LDAC chất lượng cao. Còn nếu dùng iPhone, hãy tìm những tai nghe hoặc loa hỗ trợ AAC.
Nguồn: AndroidAuthority