Sau thành công vượt bậc của Na Tra 2, nhiều người bắt đầu bày tỏ thái độ hoài nghi và đưa ra những bình luận tranh cãi: "Chỉ có người Trung Quốc mới quan tâm đến bộ phim này".
Trong những năm gần đây, điện ảnh Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt. Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Na Tra: Ma đồng náo hải đã trở thành một 'bom tấn', gây chấn động toàn ngành. Bộ phim không chỉ bùng nổ doanh thu tại nội địa mà còn khiến Hollywood cảm thấy áp lực chưa từng có.
Tài khoản được xác minh trên X (Twitter cũ) với hơn 170.000 người theo dõi đã đăng bài châm chọc: "Bộ phim đầu tiên đạt doanh thu một tỷ USD nhưng chẳng ai xem, chỉ có người Trung Quốc thôi!". Bài viết này đã thu hút hàng triệu lượt xem và gây tranh cãi sôi nổi khi xuất hiện trên hot search Weibo.

Thành tích ấn tượng: Na Tra 2 và cơn sốt doanh thu
Kể từ khi ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Na Tra 2 đã liên tục phá vỡ các kỷ lục doanh thu. Bộ phim nhanh chóng vượt qua mốc 9 tỷ NDT (khoảng 1,23 tỷ USD) và dự đoán sẽ đạt đến 16 tỷ NDT (khoảng 2,1 tỷ USD). Đây không chỉ là một thành tích đáng nể tại thị trường Trung Quốc mà còn là minh chứng cho sức hấp dẫn của điện ảnh nội địa, đánh dấu một bước tiến lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc.
Thành công của Na Tra 2 không phải là sự ngẫu nhiên. Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng ngay từ khâu sản xuất, với những hiệu ứng hình ảnh đạt chuẩn quốc tế. Các trận chiến mãn nhãn giữa các thiên binh, thiên tướng và yêu quái, cùng dàn nhân vật hùng hậu, đã tạo ra một bữa tiệc thị giác đắm chìm cho khán giả.

Ngoài ra, kịch bản phim cũng nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ vào việc khéo léo kết hợp yếu tố hiện đại vào câu chuyện thần thoại cổ xưa. Những mối quan hệ phức tạp giữa Na Tra và gia đình, cùng hành trình trưởng thành đầy gian nan của cậu, đã chạm đến trái tim của nhiều thế hệ khán giả.
Hollywood lo lắng: Vị thế bá chủ bị đe dọa
Sau thành công ấn tượng của Na Tra 2, một số nhà phê bình phương Tây bắt đầu tỏ ra nghi ngờ, thậm chí có phần cay cú. Một tài khoản điện ảnh ở Mỹ đã chế giễu bộ phim với nhận xét "chỉ có người Trung Quốc xem". Tờ 163 cho rằng nhận xét này vô tình phản ánh nỗi lo sợ của Hollywood về sự trỗi dậy mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc.
Trong suốt nhiều thập kỷ, Hollywood đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại các phòng vé toàn cầu nhờ vào công nghệ tiên tiến và hệ thống phát hành rộng lớn. Những siêu phẩm như Avengers: Endgame đã liên tục phá vỡ kỷ lục doanh thu, trở thành những tên tuổi không có đối thủ. Tuy nhiên, khi điện ảnh Trung Quốc vươn lên ngang hàng, thậm chí đe dọa vị thế độc tôn này, Hollywood không thể ngồi yên.
Mọi bom tấn điện ảnh đều phụ thuộc vào thị trường nội địa. Ngay cả Hollywood cũng không thể thiếu thị trường Mỹ, và Na Tra 2 đã tận dụng thị trường Trung Quốc để đạt được những kỷ lục chưa từng có. Dù chưa thực sự bùng nổ ở phương Tây, bộ phim vẫn thu hút lượng lớn khán giả ở các quốc gia châu Á và đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.
Khi được phỏng vấn, Ngô Kinh, một diễn viên kiêm đạo diễn, đã chia sẻ quan điểm về việc phim Chiến Lang 2 lọt vào top các bộ phim có doanh thu cao nhất toàn cầu, đồng thời phần lớn doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc. Anh thẳng thắn bày tỏ: "Ừ thì sao, không chỉ có phim Hollywood, mà cũng có nhiều bộ phim có doanh thu chủ yếu từ Trung Quốc. Không phải là tiền sao?".
Trên thực tế, mặc dù doanh thu khổng lồ của Na Tra đã tạo ra dấu ấn quan trọng đối với ngành hoạt hình Trung Quốc, nhưng nó vẫn chưa đủ để làm thay đổi cục diện chung của ngành công nghiệp này.
Thành công của Na Tra là bước ngoặt lớn đối với hoạt hình Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành này đã giải quyết hết các vấn đề tồn tại trong hệ thống.
Từ bộ phim Tây du ký: Đại Thánh trở về (2015) cho đến Na Tra: Ma đồng náo hải (2025), cụm từ 'sự trỗi dậy của hoạt hình Trung Quốc' đã được nhắc đến rất nhiều lần. Tuy nhiên, điều khán giả thực sự nhận lại vẫn chỉ là những tác phẩm chất lượng thấp.
Dù có nhiều lời ca ngợi kỳ tích phòng vé của Na Tra 2, nhưng nhìn lại, tổng doanh thu của các phim hoạt hình Trung Quốc trong năm 2024 chỉ đạt 2,875 tỷ NDT, trong đó gần 2 tỷ NDT đến từ Boonie Bears: Đảo ngược thời gian. Cả năm chỉ có hai bộ phim nội địa vượt qua mốc 1 tỷ, trong khi cùng kỳ có tới 15 phim hoạt hình ngoại nhập đạt được mốc này.


Sau hơn một thập kỷ phát triển, số lượng phim hoạt hình Trung Quốc đạt doanh thu trên 100 triệu NDT mỗi năm vẫn chỉ dao động trong khoảng 3-4 bộ phim. Tình hình phát triển của hoạt hình Trung Quốc trong những năm qua hoàn toàn phụ thuộc vào một vài công ty dẫn đầu ngành.
Theo thông tin từ Blue Whale Finance, từ năm 2019 trở lại đây, thị trường phim hoạt hình nội địa chủ yếu được chi phối bởi ba công ty lớn: Enlight Media (Quang Tuyến), Huaqiang Fangte và Light Chaser Animation.
Nếu cả ba công ty này giữ vững phong độ hoặc cho ra mắt các tác phẩm đình đám, doanh thu tổng thể của ngành hoạt hình Trung Quốc trong năm đó sẽ không tồi. Tuy nhiên, nếu chỉ có một hoặc hai công ty duy trì được đà phát triển, ngành này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái. Dữ liệu cho thấy từ 2019 đến nay, ba công ty này chiếm trên 85% tổng doanh thu hoạt hình nội địa, thấp nhất cũng đạt 62,28% vào năm 2021.
Nhìn lại, 2019 và 2023 là hai năm rực rỡ nhất với doanh thu lần lượt đạt 7,104 tỷ NDT và 5,027 tỷ NDT, đều nhờ sự đóng góp của ba công ty lớn này.
Năm 2019, Quang Tuyến ra mắt bộ phim Na Tra: Ma đồng giáng thế (5,035 tỷ NDT), Huaqiang Fangte phát hành Boonie Bears: Kỷ nguyên nguyên thủy (717 triệu NDT), và Light Chaser Animation cho ra mắt Bạch Xà: Duyên khởi (469 triệu NDT). Tổng cộng, ba phim này đã thu về 6,221 tỷ NDT, chiếm 87,57% tổng doanh thu của thị trường hoạt hình nội địa.
Tương tự, trong năm 2023, bốn bộ phim của ba công ty này đã thu về 4,622 tỷ NDT, chiếm 91,94% doanh thu toàn ngành.
Ngược lại, vào các năm 2020, 2021, 2022 và 2024, thị trường hoạt hình Trung Quốc trở nên ảm đạm khi thiếu vắng các bom tấn từ ba công ty lớn này.
Rõ ràng, Na Tra 2 một mình không thể thay đổi toàn bộ cục diện. Ngành hoạt hình Trung Quốc cần nhiều hơn những bước đột phá riêng lẻ, thay vào đó là một hệ thống sản xuất bền vững, đa dạng và thực sự có chiều sâu.