Bộ phim này đã trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt suốt thời gian dài, khiến nữ chính vướng phải vô số rắc rối ngay từ những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp.
Năm 2012, điện ảnh Hàn Quốc xôn xao trước sự ra mắt của bộ phim A Muse (tựa Hàn: Eungyo). Không phải vì cốt truyện mới lạ hay phá cách, mà bởi sự táo bạo, gây tranh cãi mạnh mẽ và sự lựa chọn diễn viên khiến nhiều người khó chịu. Bộ phim xoay quanh một mối tình kỳ quặc giữa cô nữ sinh 17 tuổi và nhà thơ 70 tuổi, và câu chuyện ngoài đời thực còn gây sốc hơn những gì được thể hiện trên màn ảnh.

Kim Go Eun và cú chào sân đầy ấn tượng tại làng giải trí
A Muse đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của nữ diễn viên Kim Go Eun trên màn ảnh rộng. Khi đó, cô mới chỉ 21 tuổi (theo tuổi quốc tế) và là một gương mặt hoàn toàn mới trong ngành điện ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, thay vì chọn một vai diễn nhẹ nhàng để ghi điểm, Kim Go Eun quyết định thử sức với vai nữ sinh Eun Gyo – một cô gái vừa trong sáng vừa đầy bí ẩn, trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật bất ngờ cho một nhà thơ đã ngoài 70 tuổi.
Trong phim, Kim Go Eun thực hiện nhiều cảnh nóng táo bạo và thật sự, thậm chí không dùng diễn viên đóng thế. Điều khiến khán giả thêm bất ngờ là bạn diễn của cô – nam diễn viên kỳ cựu Park Hae Il hơn cô đến 53 tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác rõ rệt, kết hợp với việc phim miêu tả tình yêu gần như ám ảnh giữa hai nhân vật, khiến tác phẩm bị chỉ trích là lãng mạn hóa sự lệch lạc tâm lý.

Phim nghệ thuật hay chỉ là cổ súy tình dục?
Đạo diễn Jung Ji Woo – nổi bật với những tác phẩm điện ảnh đầy chất như Happy End – tuyên bố rằng A Muse không chỉ là một phim 18+ trá hình, mà là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh những khát khao sống, yêu và sáng tạo của một người già đối mặt với cái chết đang đến gần. Tuy nhiên, phần lớn khán giả lại không nghĩ vậy. Việc một cô gái trẻ đóng quá nhiều cảnh nhạy cảm, không hề che giấu, với hai nhân vật nam trong phim đã gây ra phản ứng mạnh mẽ, được cho là “quá đà” và không cần thiết.
Không chỉ ở Hàn Quốc, A Muse còn bị chỉ trích nặng nề ở nhiều quốc gia châu Á. Khán giả từ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… đều cho rằng bộ phim “đẹp thì có đẹp, nhưng quá đáng lo ngại”, đặc biệt là khi Kim Go Eun, một diễn viên trẻ mới ra mắt, bị cuốn vào làn sóng cảnh nóng đến mức không thể phân biệt đâu là nghệ thuật, đâu là khai thác thân thể phụ nữ.
Mặc dù gây tranh cãi, A Muse lại nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình Hàn Quốc như một tác phẩm điện ảnh “nặng ký”. Giới chuyên môn cho rằng không thể phủ nhận khả năng diễn xuất vượt tuổi của Kim Go Eun. Cô hóa thân thành nhân vật Eun Gyo vừa tinh nghịch, vừa mong manh, khơi dậy sự sáng tạo từ người khác một cách tự nhiên mà không gượng ép. Tuy nhiên, những lời khen ngợi này không thể xóa đi lo ngại về việc phim Hàn đang dễ dãi với cảnh nóng, và đang đẩy các nữ diễn viên trẻ vào thế khó để “đổi đời”.


Sau A Muse, Kim Go Eun đã thay đổi hoàn toàn – nhưng cái giá phải trả là không nhỏ
Với màn debut “gây bão” này, sự nghiệp của Kim Go Eun thực sự cất cánh. Cô trở thành gương mặt được săn đón trong các dự án lớn như Goblin, Yumi’s Cells, và gần đây là Exhuma, Love in the big city,... Tuy nhiên, dù đã có nhiều thành công sau đó, Kim Go Eun vẫn không thể tránh khỏi việc bị gắn mác “nữ chính cảnh nóng”, và những phỏng vấn liên quan đến A Muse vẫn tiếp tục xuất hiện, dù cô đã chứng minh thực lực qua nhiều vai diễn xuất sắc.
Có ý kiến cho rằng nếu không có A Muse, thì Kim Go Eun hôm nay sẽ không có được sự nghiệp như hiện tại. Tuy nhiên, cũng có người tiếc nuối, vì một tài năng như cô lẽ ra không cần phải hy sinh bằng những cảnh nóng quá mức trong bộ phim đầu tay.

Ranh giới giữa nghệ thuật và sự khai thác
A Muse là minh chứng rõ ràng nhất cho câu hỏi muôn thuở: rốt cuộc điện ảnh cần phải trần trụi đến mức độ nào để có thể truyền tải cảm xúc? Nếu chỉ vì nghệ thuật, liệu có cần thiết phải chọn một diễn viên nữ trẻ, vừa mới bước chân vào nghề, để “lột trần” cô ấy trước ống kính?
Và nếu cho rằng nhân vật của Park Hae Il là hình tượng ẩn dụ cho cái chết, vậy tại sao hình tượng đó lại phải gắn liền với sự ám ảnh đối với một nữ sinh? Phải chăng chính những yếu tố này đã khiến điện ảnh nghệ thuật Hàn Quốc đôi khi bị xem là “phim 18+ trá hình”?
Nguồn ảnh: Tổng hợp