Theo báo cáo, một hành tinh thuộc loại 'siêu Trái Đất' có điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, chỉ phù hợp cho sự sống trong một khoảng thời gian ngắn của chu kỳ quỹ đạo, đã được tìm thấy xoay quanh một ngôi sao nằm cách Trái Đất 2.472 năm ánh sáng.

Hình ảnh mô phỏng về một ngoại hành tinh thuộc dạng siêu Trái Đất. (Nguồn: ESO/M. Kornmesser)
Khám phá về ngoại hành tinh này, được đặt tên là Kepler-735c, hoàn toàn dựa trên phương pháp gọi là biến thể thời gian quá cảnh, hay còn được viết tắt là TTV.
Tìm thấy hành tinh sử dụng phương pháp quá cảnh
Kepler-725b là một ví dụ điển hình của hành tinh có TTV. Đây là một hành tinh khí khổng lồ, quay quanh một ngôi sao vàng tương tự Mặt Trời, được phát hiện bởi kính thiên văn Kepler hiện đã ngừng hoạt động.
Sun Leilei, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Vân Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chia sẻ: "Thông qua phân tích tín hiệu TTV từ Kepler-725b - một hành tinh khí khổng lồ với chu kỳ quỹ đạo 39,64 ngày trong cùng hệ - nhóm chúng tôi đã xác định được khối lượng và các thông số quỹ đạo của hành tinh bí ẩn Kepler-725c."
Với khối lượng gấp 10 lần Trái Đất, Kepler-725c xứng đáng được xếp vào nhóm siêu Trái Đất - những hành tinh đá khổng lồ ngoài hệ Mặt Trời. Do không tồn tại dạng hành tinh này trong Thái Dương Hệ, giới khoa học vẫn đang nỗ lực xây dựng các mô hình lý thuyết để hiểu rõ hơn về đặc tính của chúng.
Quỹ đạo của Kepler-725c có hình elip dẹt đặc biệt với độ lệch tâm lên tới 0.44 - một con số ấn tượng so với quỹ đạo gần tròn của Trái Đất (0.0167). Điều này khiến khoảng cách giữa hành tinh và ngôi sao chủ thay đổi đáng kể tại các điểm khác nhau trên quỹ đạo.
Nếu tồn tại khí quyển, sự chênh lệch nhiệt độ cực đoan do thay đổi khoảng cách quỹ đạo sẽ tạo ra biến động khí hậu khủng khiếp. Độ lệch tâm cao đồng nghĩa với việc hành tinh chỉ có thể duy trì điều kiện sống trong một phần nhỏ quỹ đạo - khu vực có nhiệt độ phù hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng.
Liệu sự sống có thể tồn tại trên Kepler-725c khi nó chỉ ở trong vùng phù hợp khoảng 207.5 ngày Trái Đất mỗi chu kỳ? Những sinh vật nào có khả năng chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt khi hành tinh rời khỏi vùng sinh sống? Những câu hỏi lý thuyết này bỗng trở nên cấp thiết sau phát hiện về Kepler-725c.