Dựa trên tựa game đình đám từng làm mưa làm gió toàn cầu, “Until Dawn: Bí mật kinh hoàng” mang đến một tiền đề đầy tiềm năng, dễ dàng thu hút khán giả đại chúng. Tuy nhiên, bản điện ảnh do đạo diễn David F. Sandberg thực hiện lại không thể chuyển hóa được lợi thế đó thành một câu chuyện đủ sức nặng, gắn kết và chiều sâu như kỳ vọng.
Từ game bom tấn đến phim kinh dị… thiếu lực
“Until Dawn” – cái tên quen thuộc với cộng đồng game thủ, từng được đánh giá là một trong những trò chơi kinh dị tương tác xuất sắc nhất của Sony. Sau một thập kỷ, trò chơi này được đưa lên màn bạc dưới bàn tay đạo diễn David F. Sandberg – người đứng sau thành công của “Lights Out” và “Annabelle: Creation”.
Tưởng chừng lần quay lại thể loại kinh dị sẽ là cơ hội để Sandberg khẳng định lại tên tuổi sau “Shazam! Fury of the Gods”, nhưng “Until Dawn: Bí Mật Kinh Hoàng” lại là một cú trượt dài khác. Phim gặp khó khăn trong việc phát triển kịch bản hợp lý và khai thác cảm xúc nhân vật một cách hiệu quả.

Until Dawn: Bí Mật Kinh Hoàng bị nhận xét là thiếu chiều sâu và kịch bản chưa đủ mạch lạc.
Ý tưởng thú vị nhưng thực thi còn dang dở
Phim xoay quanh Clover (Ella Rubin) cùng nhóm bạn lên thung lũng để tìm hiểu về sự biến mất của em gái cô – Melanie. Tại đây, nhóm bạn lần lượt bị giết hại rồi sống lại trong một vòng lặp thời gian kỳ bí. Mỗi lần lặp lại, cuộc truy đuổi càng thêm căng thẳng và cách họ bị giết ngày càng kinh hoàng hơn. Họ nhận ra bản thân chỉ có một số lần chết giới hạn, và nếu không thể sống sót đến bình minh, mọi thứ sẽ biến mất mãi mãi.
Vòng lặp thời gian là mô-típ quen thuộc trong điện ảnh, từng được khai thác thành công trong các phim như Happy Death Day hay The Endless. Khi xử lý khéo léo, vòng lặp này giúp mở rộng chiều sâu tâm lý và cảm xúc cho nhân vật, đào sâu các khía cạnh trong tâm hồn, đối mặt với sai lầm và bi kịch quá khứ. Nhưng nếu kịch bản yếu và thiếu sáng tạo, vòng lặp sẽ nhanh chóng trở thành “mê cung” khiến khán giả mệt mỏi.

Ý tưởng vòng lặp thời gian vốn thu hút sự chú ý của khán giả nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.
Until Dawn rơi vào trường hợp thứ hai. Dù sở hữu nền tảng hấp dẫn, phim lại không phát triển được nhân vật và thiếu những nút thắt đủ sức nặng. Các nhân vật gần như không có sự tiến triển rõ ràng trong cuộc chiến sinh tồn. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa hai chị em Clover – Melanie, vốn có thể là trục cảm xúc chính, lại bị xử lý qua loa, thiếu chiều sâu và không chạm đến trái tim người xem.
Một điểm trừ khác của Until Dawn là sự thiếu nhất quán về phong cách. Phim lưỡng lự giữa việc trở thành tác phẩm kinh dị máu me và khai thác yếu tố tâm lý – siêu nhiên. Có lúc phim cố gắng triết lý qua câu thoại như “cái chết là cơ hội để học lại cách sống”, nhưng ngay sau đó lại quay về những cảnh rượt đuổi kinh điển. Sự chông chênh này khiến Until Dawn trở nên rời rạc và khó để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Dù thất vọng nhưng vẫn mang lại giá trị giải trí
Dù không thành công ở tầng nội dung sâu sắc, “Bí Mật Kinh Hoàng” vẫn giữ được sức hút giải trí nhờ kinh nghiệm tạo dựng không khí rùng rợn của David F. Sandberg. Những khung hình tối tăm, ánh sáng mờ ảo cùng bối cảnh căn nhà giữa thung lũng lạnh giá được xử lý tinh tế, gợi nhớ đến “The Evil Dead” hay “The Thing”.
Các phân cảnh vòng lặp thời gian ban đầu được dàn dựng khá lôi cuốn, với những cái chết đậm tính thử thách tâm lý buộc nhân vật phải đối mặt với nỗi sợ và hoài nghi. Thiết kế sinh vật, đặc biệt là hình dạng wendigo, được chăm chút kỹ lưỡng, hạn chế dùng CGI quá nhiều, giúp tăng tính chân thực. Âm thanh đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích cảm xúc, từ tiếng gió rít đến những bước chân phía sau, đều tạo nên cảm giác bất an thường trực.
Dàn diễn viên trẻ tuy chưa thật sự nổi bật nhưng vẫn hoàn thành tốt vai trò của mình. Ella Rubin có những khoảnh khắc tỏa sáng trong các cảnh nội tâm đầy giằng xé, góp phần làm nổi bật vai nữ chính. Các diễn viên phụ như Michael Cimino hay Odessa A’zion dù đất diễn hạn chế nhưng vẫn thể hiện được sự hoảng loạn của nhân vật, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ diễn xuất.

Dàn cast trẻ của Until Dawn: Bí Mật Kinh Hoàng dù chưa quá nổi bật nhưng vẫn được đánh giá là tròn vai.
“Bí Mật Kinh Hoàng” không hoàn toàn thất bại, nhưng lại là minh chứng cho sự bối rối của David F. Sandberg trong việc tìm lại phong cách điện ảnh riêng. Phim có ý tưởng và chất liệu tiềm năng, nhưng cách kể chuyện chưa đủ chắc chắn để xây dựng nên một hành trình thuyết phục, chạm đến cảm xúc của khán giả.