Những thông tin nào được tích hợp vào mã số định danh cá nhân?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, số định danh cá nhân là một dãy số tự nhiên bao gồm 12 chữ số. Cấu trúc của số này bao gồm 6 chữ số đầu đại diện cho mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân khai sinh, và 6 chữ số còn lại là dãy số ngẫu nhiên.
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, các thông tin cần thu thập để cấp mã số định danh cá nhân được quy định như sau:
"Điều 14. Trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đăng ký khai sinh
1. Trường hợp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó phải thu thập các thông tin sau đây để cấp số định danh cá nhân:
a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
b) Ngày, tháng, năm sinh;
c) Giới tính;
d) Nơi đăng ký khai sinh;
đ) Quê quán;
e) Dân tộc;
g) Quốc tịch;
h) Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra thông tin, tài liệu theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 của Luật Căn cước công dân, cấp và chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch."

Mã số định danh cá nhân có giống với số căn cước công dân không? Mã số định danh cá nhân được sử dụng cho mục đích gì? (Hình ảnh từ internet)
Mã số định danh cá nhân được sử dụng cho mục đích gì?
- Được dùng để tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
Mã số định danh có vai trò quan trọng trong việc tạo sự kết nối và liên thông giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong đó, hệ thống quản lý dân cư đóng vai trò chủ đạo, liên kết với các hệ thống thông tin chuyên ngành của các Bộ, ngành thông qua số định danh cá nhân.
- Sử dụng thay thế giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch mua bán nhà ở
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP:
Trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Dùng thay cho mã số thuế cá nhân khi tiến hành khai báo thuế
Căn cứ theo Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019, quy định về việc sử dụng mã số thuế:
"Điều 35. Sử dụng mã số thuế
1. Người nộp thuế phải ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, đăng ký tờ khai hải quan và thực hiện các giao dịch về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.
2. Người nộp thuế phải cung cấp mã số thuế cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi mã số thuế trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế.
3. Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại phối hợp thu ngân sách nhà nước, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng mã số thuế của người nộp thuế trong quản lý thuế và thu thuế vào ngân sách nhà nước.
4. Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế.
5. Tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng mã số thuế đã được cấp của người nộp thuế khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
6. Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam thì phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay.
7. Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế."
Do đó, khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ công dân, mã số định danh cá nhân sẽ thay thế cho mã số thuế.
Mã số định danh cá nhân có phải trùng với số căn cước công dân không?
Căn cứ vào Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014, quy định như sau:
"Điều 12. Số định danh cá nhân
1. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
2. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác."
Theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, công dân sẽ được cấp mã định danh cá nhân khi:
- Đăng ký khai sinh.
- Làm Căn cước công dân (đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa có mã định danh cá nhân, hoặc đối với công dân đang sử dụng CMND 9 số chuyển sang sử dụng CCCD mới).
Do đó, mã số căn cước công dân chính là mã định danh cá nhân được Bộ Công an quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc và cấp cho từng công dân Việt Nam.