1. Tổng quan chung
Các lý thuyết nền bao gồm Lý thuyết ủy nhiệm (Agency Theory), Lý thuyết thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information), Lý thuyết tín hiệu (Signaling Theory), Lý thuyết chi phí chính trị (Political Cost Theory), và Lý thuyết phụ thuộc nguồn lực (Resource Dependence Theory).
2. Lý thuyết ủy nhiệm (Agency Theory)
Lý thuyết ủy nhiệm (còn gọi là lý thuyết đại diện) được giới thiệu lần đầu vào năm 1976 trong một nghiên cứu của Jensen M. C. và Meckling W. H. Một mối quan hệ ủy nhiệm là hợp đồng trong đó một hoặc nhiều người - bên ủy nhiệm (principal) giao quyền cho một bên khác - bên được ủy nhiệm (agent) thực hiện công việc thay mặt, bao gồm cả việc đưa ra các quyết định. Do đó, trong một công ty, mối quan hệ giữa các cổ đông hoặc chủ sở hữu với ban giám đốc chính là mối quan hệ ủy nhiệm.
Khi cả hai bên đều hành động nhằm tối đa hóa lợi ích của mình, không thể khẳng định rằng bên được ủy nhiệm sẽ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho bên ủy nhiệm (Jensen M. C., và Meckling W. H, 1976). Fridson M. và Alvarez F., (2013) cho rằng, mục đích của công ty cổ phần là phục vụ lợi ích của các cổ đông và tối đa hóa giá trị của cổ đông; đồng thời, các nhà quản lý cũng có xu hướng theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi ích cá nhân. Theo Jensen M. C., và Meckling W. H (1976), nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định nhằm mang lại lợi ích cá nhân và có xu hướng bỏ qua lợi ích của cổ đông khi đạt được mức lợi nhuận nhất định. Nhà quản lý có thể sẽ hành động để tăng lợi ích cá nhân qua việc chi tiêu không cần thiết, làm giảm lợi ích của cổ đông, hoặc không nỗ lực cải thiện giá trị công ty (Vũ Hữu Đức, 2010).
Chi phí ủy nhiệm (Agency cost) phát sinh khi bên ủy nhiệm áp dụng các biện pháp để giảm thiểu hành động vì lợi ích cá nhân của bên được ủy nhiệm, qua đó duy trì hiệu quả của mối quan hệ đại diện. Trong trường hợp người sở hữu công ty đồng thời là giám đốc công ty, chi phí ủy nhiệm là không có. Jensen M. C., và Meckling W. H (1976) phân loại chi phí ủy nhiệm thành ba loại chính:
(1) Chi phí giám sát (Monitoring cost): là các chi phí mà bên ủy nhiệm phải trả để theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của bên được ủy nhiệm. Ví dụ bao gồm chi phí kiểm toán, kiểm tra giám sát, ký kết hợp đồng, hoặc chi phí liên quan đến việc sa thải người đại diện.
(2) Chi phí ràng buộc (Bonding cost): là chi phí mà nhà quản lý (bên được ủy nhiệm) phải chịu để đảm bảo giảm thiểu hành động có thể gây thiệt hại cho bên ủy nhiệm. Ví dụ là các khoản bồi thường mà nhà quản lý phải trả theo hợp đồng đại diện khi gây thiệt hại cho công ty hoặc không hoàn thành mục tiêu đã cam kết với chủ sở hữu.
(3) Phần tổn thất còn lại (Residual loss) là phần lợi ích của bên ủy nhiệm bị giảm sút dù cả hai bên đã thực hiện các hành động dẫn đến chi phí phát sinh.
(1) và (2). Ví dụ về thiệt hại có thể xảy ra do việc kiểm soát quá mức hoạt động của nhà quản lý, hoặc quyền biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng của công ty, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công ty.
Theo Watson, Shrives và Marstn (2002), trích dẫn trong Nguyễn Trọng Nguyên (2015), lý thuyết ủy nhiệm chỉ ra rằng mục tiêu chính của Báo cáo tài chính (BCTC) là giám sát hiệu quả công tác quản lý, trong khi các nhà quản lý sử dụng báo cáo này để thuyết phục cổ đông về việc họ đang hành động vì lợi ích tối ưu. Kiểm toán đóng vai trò là công cụ giám sát cho cổ đông, giúp phát hiện các sai sót nghiêm trọng trong BCTC, giảm thiểu xung đột giữa nhà quản lý và chủ sở hữu (Jensen M. C., and Meckling W. H., 1976; Nguyễn Thị Phương Hồng, 2016).
Trong nghiên cứu này, tác giả áp dụng lý thuyết ủy nhiệm để giải thích các yếu tố như quyền sở hữu của nhà quản lý, sự kiêm nhiệm của giám đốc, tính độc lập của Hội đồng quản trị, đòn bẩy tài chính, quy mô công ty, và loại hình công ty kiểm toán.
3. Lý thuyết thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information) và Lý thuyết tín hiệu
(Lý thuyết tín hiệu)
Lý thuyết thông tin bất cân xứng lần đầu tiên được G. A. Akerlof giới thiệu vào năm 1970 trong công trình nghiên cứu của ông. Quyết định của cá nhân hay tổ chức về một vấn đề thường được đưa ra dựa trên thông tin thu thập được. Tuy nhiên, một số thông tin có thể bị giấu đi, không được chia sẻ đầy đủ. Tình trạng này dẫn đến thông tin bất cân xứng giữa các cá nhân có quyền truy cập thông tin và những người không có quyền. Trong môi trường công ty, tình trạng thông tin bất cân xứng xuất hiện giữa cổ đông, nhà đầu tư và nhà quản lý, khi mà các cổ đông và nhà đầu tư không thể nắm bắt thông tin tài chính chính xác và đầy đủ như nhà quản lý. Nhà quản lý có thể cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác hoặc không kịp thời về tình hình tài chính của công ty, khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lệch và gặp bất lợi.
Thông tin bất cân xứng thường dẫn đến hai hậu quả chính: 'lựa chọn bất lợi' và 'suy giảm đạo đức'. 'Lựa chọn bất lợi' xảy ra trước khi giao dịch hoặc ký hợp đồng, ví dụ như trong thị trường chứng khoán, khi các công ty niêm yết và các bên liên quan che giấu thông tin, khiến người mua không thể tiếp cận thông tin đầy đủ và chính xác, dẫn đến quyết định đầu tư sai lầm. Ngược lại, 'suy giảm đạo đức' xảy ra sau khi giao dịch đã diễn ra, chẳng hạn như khi nhà đầu tư đã mua cổ phiếu, nhà quản lý có thể sử dụng nguồn vốn không hiệu quả hoặc sai mục đích. Nếu tỷ lệ sở hữu của nhà quản lý thấp, họ sẽ không chịu thiệt hại nhiều dù công ty hoạt động kém hiệu quả.
Trong nghiên cứu năm 1973, Michael Spence đề xuất giải pháp khắc phục thông tin bất cân xứng thông qua cơ chế phát tín hiệu. Lý thuyết tín hiệu mô tả cách thức các bên đối diện với sự bất đồng thông tin. Một bên lựa chọn phương thức truyền đạt thông tin (phát tín hiệu), trong khi bên kia sẽ giải mã và hiểu thông tin đó. Bên nắm giữ nhiều thông tin có thể truyền tải tín hiệu trung thực và đáng tin cậy đến bên ít thông tin hơn. Trên thị trường chứng khoán, các công ty có thể lựa chọn công bố thông tin tài chính, kết quả kinh doanh tích cực, dự án tiềm năng và phương pháp kế toán phù hợp để thuyết phục nhà đầu tư về tình hình tài chính của họ. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể phân loại, so sánh các công ty để đưa ra quyết định đầu tư.
Lý thuyết này được áp dụng trong nghiên cứu để giải thích các yếu tố như quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quy mô công ty, loại hình công ty kiểm toán, lợi nhuận của công ty, và chính sách cổ tức.
4. Lý thuyết chi phí chính trị (Political cost theory)
Khái niệm chi phí chính trị được giới thiệu trong tác phẩm lý thuyết kế toán thực chứng của Watts và Zimmerman, xuất bản năm 1986. Chi phí chính trị là khoản chi mà doanh nghiệp phải gánh chịu do các hành động có tính chất chính trị từ các yếu tố bên ngoài, như tác động của Nhà nước, nghiệp đoàn hoặc các nhóm cộng đồng.
Theo lý thuyết này, một công ty có chi phí chính trị cao sẽ có xu hướng công khai nhiều thông tin hơn để giảm thiểu các chi phí liên quan. Watts & Zimmerman (1986) chỉ ra rằng các công ty chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý thường có khuynh hướng công bố thông tin nhiều hơn để tránh sự can thiệp từ các quy định pháp lý.
Lý thuyết này đã được áp dụng trong các nghiên cứu để giải thích những yếu tố như quyền sở hữu của Nhà nước và quyền sở hữu của các tổ chức.
5. Lý thuyết phụ thuộc nguồn lực (Resource dependence theory)
Lý thuyết này được phát triển bởi Pfeffer và Salancik (1978), đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ vai trò của nguồn lực trong hoạt động của HĐQT. Theo họ, công ty là một hệ thống mở, phụ thuộc vào các yếu tố không thể đoán trước từ môi trường bên ngoài. Lý thuyết phụ thuộc nguồn lực ghi nhận sự ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai đối với hành vi tổ chức, mặc dù môi trường có thể bị giới hạn, nhưng các nhà quản trị vẫn có thể thực hiện các biện pháp giảm thiểu sự phụ thuộc và bất ổn của môi trường hoặc gia tăng các nguồn lực khác (Hillman et al, 2009). Các chiến lược khác nhau có thể được áp dụng để tiếp cận nguồn lực trong công ty và đối phó với những tình huống khẩn cấp (Pfeffer và Salancik, 1978).
Lý thuyết này làm nổi bật vai trò thiết yếu của HĐQT đối với sự phát triển và duy trì hoạt động của công ty, cũng như việc tiếp cận và phân phối các nguồn lực cần thiết cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Lý thuyết này đã được ứng dụng trong nghiên cứu để giải thích các yếu tố như tính độc lập của HĐQT và sự kiêm nhiệm giữa chủ tịch HĐQT và giám đốc điều hành.
Trân trọng!