Như bạn đã biết, việc quản lý chi phí mua hàng hiệu quả có thể mang lại tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính vì lý do này, Procurement trở thành một hoạt động quan trọng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Bạn đã hiểu rõ Procurement là gì chưa? Nếu chưa, hãy cùng khám phá với Ms Uptalent qua bài viết dưới đây nhé!
Procurement được hiểu đơn giản là quản lý mua sắm. Đây là quá trình tổ chức và quản lý việc mua sắm nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho tổ chức. Nó bao gồm việc lập kế hoạch, xây dựng chiến lược mua hàng và duy trì hoạt động mua sắm của doanh nghiệp.
Đối tượng của hoạt động thu mua là nguyên vật liệu, dịch vụ cần thiết để sản xuất sản phẩm; các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; hoặc các hàng hóa, dịch vụ cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thuật ngữ này thường xuất hiện trong lĩnh vực Logistics hoặc Supply Chain. Ngày nay, quá trình procurement không chỉ là hoạt động thu mua hàng hóa mà còn là chiến lược sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Với vai trò nền tảng cho các hoạt động kế tiếp, hoạt động Procurement cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu và quy trình kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tối đa sai lệch về số lượng sản xuất và giá thành sản phẩm.
Trong các doanh nghiệp, hoạt động procurement được thực hiện bởi một bộ phận chuyên trách. Đứng đầu bộ phận này là trưởng phòng thu mua, được hỗ trợ bởi các nhân viên và nhân viên hành chính.
Nhiệm vụ chính của bộ phận procurement là đảm bảo rằng tổ chức có đủ nguồn cung cấp để hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Quá trình này bao gồm các công việc sau:
Xác định và phân tích nhu cầu của tổ chức dựa trên các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ, hoặc nguyên liệu cần thiết để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.
Đề xuất và lên kế hoạch cho các hoạt động mua sắm nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức. Bao gồm việc xác định nguồn cung ứng, tổ chức đấu thầu và thiết lập các tiêu chí lựa chọn.